Các nhà phân tích lập luận rằng Hải quân Mỹ quá mạnh so với phần còn lại của thế giới. Ảnh: Wikipedia |
Theo Diplomat, cuộc tranh luận về quy mô của Hải quân Mỹ như một vòng luẩn quẩn mà mỗi năm thường lặp lại ít nhất một lần nhưng không có điều gì mới mẻ. Hải quân Mỹ đang đề xuất khoản ngân sách trị giá 161 tỷ USD (tăng 11,8 tỷ USD) cho năm tài chính tiếp theo.
Điểm nổi bật trong khoản ngân sách mới là đề nghị mua 3 tàu chiến ven biển (LCS), 2 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia và một số tàu khác. Theo Ray Mabus, bộ trưởng Hải quân Mỹ, cuối thập kỷ này, hạm đội tàu chiến sẽ có hơn 300 chiếc.
Những người ngoài cuộc hoặc không chuyên thường mô tả "Hải quân Mỹ đủ lớn", lực lượng hải quân đủ khả năng đối phó với những cuộc xung đột trong tương lai. Trong khi đó, người trong cuộc, một cựu sĩ quan hải quân, từng cảnh báo về thực trạng của Hải quân Mỹ và hải quân cần mở rộng để đảm nhận vai trò giữ gìn trật tự quốc tế. Đồng thời vị sĩ quan về hưu nhấn mạnh khả năng ngày càng tăng của hải quân các nước đối thủ, đặc biệt là Hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà báo Gregg Easterbrook của New York Times có những quan điểm khác về vấn đề này. Ông lập luận rằng, hải quân không cần thiết phải mở rộng quy mô. Mỹ có 10 siêu tàu sân bay năng lượng hạt nhân, gấp 10 lần so với phần còn lại của thế giới. Không một quốc gia nào có dự định hay ý tưởng tương tự như siêu tàu sân bay hạt nhân tiên tiến lớp Gerald R. Ford mà Mỹ đang đóng mới.
Giới quân sự Mỹ cho rằng hải quân cần mở rộng để đáp ứng các mối đe dọa mới, đặc biệt là sự trổi dậy của Hải quân Trung Quốc. Ảnh minh họa đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D vào hạm đội tàu chiến Mỹ. Ảnh đồ họa: Popsci |
Một vài lực lượng hải quân châu Á đang "đùa giỡn" với ý tưởng tàu mặt nước chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai, nhưng điều đó vẫn còn cần được xem xét trong vài năm tới. Easterbrook tiếp lục lập luận rằng nhiều người đang thổi phồng những mối đe dọa với hải quân.
"Một số nhà phân tích cổ vũ cho sự sợ hãi về tàu sân bay, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc. Tuy nhiên, tàu sân bay này khá khiêm tốn so với hàng không mẫu hạm của Mỹ. Các tàu ngầm kém năng lực hơn khi so với tàu của chúng ta. Không có bằng chứng cho thấy họ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm", ông nói.
"Tuy vậy, Hải quân Trung Quốc vẫn có thể gây ra những tổn thất nếu Mỹ tự mãn với những gì mình có" nhà báo Easterbrook nói thêm.
Trong khi đó, Bryan McGrath, cựu sĩ quan hải quân nhận xét rằng Easterbrook hiểu sai cơ bản những điều mà Hải quân Mỹ đang thực hiện. "Tại sao hải quân được hình thành và có quy mô như hiện nay? Ông mắc lỗi thông thường khi so sánh hải quân chúng ta với các lực lượng khác. Mỹ là một quốc gia có trách nhiệm với lợi ích toàn cầu".
Vị cựu sĩ quan nói thêm: "Easterbrook so sánh tàu sân bay của chúng ta với các quốc gia khác là đã bỏ qua sự độc đáo về vai trò của Hải quân Mỹ đối với thế giới".
Đồng quan điểm, Jerry Hendrix thuộc Trung tâm an ninh mới của Mỹ giải thích: "Trung Quốc không cần phải phát triển các tàu chiến tương tự. Thay vào đó, họ chỉ cần hạn chế quyền tự do hành động của Washington ở châu Á".
Cuộc tranh luận về giữ nguyên hay mở rộng quy mô Hải quân Mỹ vẫn là chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà phân tích, chuyên gia và giới quân sự Mỹ trong thời gian tới. Mỗi bên đều cố gắng đưa ra những lập luận để bảo vệ quan điểm của mình khiến cho cuộc thảo luận khó có thể đi đến hồi kết.