Tàu USS Pueblo neo ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày nay. Ảnh: NBC News |
Tấn công bất ngờ
Ngày 23/1/1968, tàu USS Pueblo vẫn trong vùng biển quốc tế và cách xa hải cảng Wonsan, cảng biển lớn và nhộn nhịp nhất của Triều Tiên, thì một tàu tuần tra địa phương đến gần. Những binh sĩ Triều Tiên yêu cầu tàu Mỹ phải cho họ lên boong để kiểm tra. Khi các thủy thủ Mỹ từ chối, tàu Triều Tiên ngay lập tức nổ súng.
"Chúng tôi không có vũ khí để đáp trả. Khi đó, chúng tôi đang đội lốt một tàu phi vũ trang", đại úy Skip Schumacher kể lại trên BBC. Vào năm 1968, ông Schumacher là một thủy thủ 24 tuổi trên tàu. Thuyền trưởng đã chỉ đạo lái tàu hướng ra biển, nhưng tốc độ tối đa của USS Pueblo khi đó chỉ là 24 km/h, không thể sánh lại với tốc độ của hạm đội Triều Tiên.
Biết chắc không thể chạy thoát, các thủy thủ Mỹ quyết định hủy toàn bộ những tài liệu mật và nhạy cảm trên tàu. Họ chưa có những máy cắt giấy hiện đại như ngày nay, do vậy biện pháp duy nhất là dùng lửa đốt. Như đoán biết được ý đồ, các binh sĩ Triều Tiên từ vòng vây bên ngoài liên tục nổ súng khi nhìn thấy khói bốc lên.
Một thủy thủ Mỹ mất mạng, 3 người khác bị thương. Thuyền trưởng Lloyd M. Bucher quyết định đầu hàng để bảo vệ những thủy thủ còn lại. Đội tàu Triều Tiên áp giải tàu USS Pueblo trở về bờ, chuyển các tù binh đến trại giam.
Các thủy thủ Mỹ trên tàu USS Pueblo bị Triều Tiên bắt làm tù binh. Ảnh: BBC |
Theo ký ức của các thủy thủ, mối quan tâm duy nhất của chính quyền Triều Tiên khi đó là lời khai của những tù binh Mỹ. Các sĩ quan Triều Tiên thẩm vấn thuyền trưởng Bucher đầu tiên. Họ buộc ông phải thừa nhận con tàu đã vi phạm lãnh hải Triều Tiên để hoạt động gián điệp. Dù các cai tù Triều Tiên đã áp dụng nhiều biện pháp tra tấn lẫn đe dọa, Bucher vẫn kiên quyết không chịu thừa nhận như vậy.
Đến khi một sĩ quan thẩm vấn dọa rằng sẽ xử bắn các thủy thủ ngay trước mặt ông, bắt đầu từ người trẻ nhất, Bucher buộc phải ký vào bản khai nhận. Lần lượt những thủy thủ khác cũng phải ký vào bản lời khai tương tự như Bucher. Đây là các bằng chứng mà Bình Nhưỡng dùng để củng cố và hợp pháp hóa việc bắt giữ tàu USS Pueblo trước quốc tế. Ngày 24/1, đài phát thanh Triều Tiên phát sóng bản "lời khai" của thuyền trưởng tàu USS Pueblo.
Mỹ chấp nhận đàm phán
Các quan chức ở Washington dưới thời tổng thống khi Lyndon B. Johnson vô cùng bàng hoàng khi hay tin tàu USS Pueblo bị Triều Tiên bắt. Một chuyên gia luật quốc tế khi đó bình luận sự việc tàu USS Pueblo là "điều đáng xấu hổ nhất đối với lực lượng hải quân vốn có truyền thống hơn 150 năm chưa để mất tàu nào", theo báo Los Angeles Times.
Ông Kim Jung Rok, một trong những binh sĩ Triều Tiên tham gia hoạt động bắt giữ tàu USS Pueblo. Ảnh: New York Times |
Ngày 25/1, tổng thống Johnson chỉ đạo đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đề nghị họp khẩn cấp tại Hội đồng bảo an để bàn thảo vệ hành động "nghiêm trọng" mà Triều Tiên gây ra. Cùng ngày, tổng thống Johnson yêu cầu 14.700 binh sĩ dự bị của không quân và hải quân trong tình trạng sẵn sàng, phái hai đội chiến đấu cơ từ căn cứ ở Okinawa đến phi trường Hàn Quốc, điều động tàu sân bay USS Enterprise (tàu chiến lớn nhất thế giới khi đó), đến vùng biển gần cảng Wonsan.
Theo tư liệu của Đại học Stanford (Mỹ), tín hiệu đần tiên của phía Bình Nhưỡng tỏ ý muốn đàm phán là phát biểu của bí thư đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Kwang Hyop, vào ngày 31/1.
"Đế quốc Mỹ đã sai lầm nếu nghĩ rằng có thể giải quyết vụ xâm nhập của tàu USS Pueblo vào lãnh hải chúng ta bằng những đe dọa quân sự. Tuy nhiên, câu chuyện có thể khá đi nếu áp dụng biện pháp trước đây (ý nhắc đến vụ Triều Tiên phóng thích 2 phi công Mỹ vào tháng 5/1964 khi máy bay của họ vô tình đi vào không phận Triều Tiên)".
Washington không hề có thông tin tình báo nào về nơi giam giữ các thủy thủ, do vậy, họ chỉ có thể đề nghị thương lượng với Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ khi đó, ông Dean Rusk, một mặt lên án hành động của Bình Nhưỡng "là hành vi gây chiến", vẫn khẳng định "Mỹ đàm phán với Triều Tiên thông qua tất cả các kênh".
Cuộc đàm phán diễn ra tại khu vực phi quân sự Panmunjom vào đầu tháng 2. Đại diện đoàn Mỹ là một vị chuẩn đô đốc, còn phía Triều Tiên là một thiếu tướng. Trong thời gian này, tàu USS Enterprise cũng rút khỏi vị trí gần Wonsan. Trong suốt những ngày sau, Triều Tiên luôn phát sóng lời khai và lời kêu gọi giúp đỡ của những tù binh Mỹ.
Một nữ hướng dẫn viên du khách tham quan tàu USS Pueblo neo ở một con sông tại Bình Nhưỡng. Ảnh: The Oregonian |
Quá trình đàm phán giữa hai bên kéo dài ròng rã 11 tháng. Cuối cùng, sau lời xin lỗi chính thức từ các thủy thủ tàu USS Pueblo, bản lời khai xác nhận họ đã hoạt động gián điệp, cùng sự nhượng bộ rằng Mỹ sẽ không tái diễn những hoạt động do thám, Bình Nhưỡng chấp nhận thả tự do cho 82 thủy thủ còn sống.
Ngày 23/12/1968, một chiếc xe buýt đã chở các thủy thủ đến vùng biên giới phi quân sự, yêu cầu từng người đi bộ qua phía Hàn Quốc. Thuyền trưởng Bucher và các cộng sự phải trình diện tòa án binh sau khi về Mỹ, để điều trần về lý do đầu hàng "kẻ thù".
Bộ trưởng Hải quân Mỹ khi đó John Chafee, phủ nhận mọi ý kiến buộc tội các thủy thủ vì cho rằng "họ đã chịu đựng quá đủ". Thuyền trưởng Bucher không bị kết tội và tiếp tục sự nghiệp trong lực lượng hải quân cho đến khi về hưu.
Triều Tiên vẫn chiếm giữ tàu USS Pueblo đến ngày nay, cải tạo nó trở thành một điểm tham quan của du khách. Con tàu neo ở sông Botong tại Bình Nhưỡng, như sự tự hào về chiến tích của Triều Tiên trước nước Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ vẫn nỗ lực thảo luận với các quan chức Triều Tiên để đoạt lại con tàu.