Tên lửa xuyên lục địa Minuteman, một trong số những tên lửa phóng xilô của Mỹ hiện tại. |
Khả năng tấn công hạt nhân tiềm tàng của Mỹ đã giảm 15 lần so với thời Chiến tranh Lạnh, tuy vậy, việc phải duy trì kho vũ khí hiện có cũng đang khiến người dân Mỹ phải đóng thuế nhiều hơn vào thời đỉnh điểm cuộc đối đầu với Liên Xô.
Phát biểu trên tờ Los Angeles Times, các cựu quan chức của Bộ Năng lượng Mỹ, chuyên gia ngoài ngành và nghị sĩ đều nhấn mạnh rằng, tầm quan trọng của chương trình vũ khi hạt nhân đã bị thổi phồng và chương trình đã bị quản lý kém.
Bộ Năng lượng Mỹ chịu trách nhiệm phát triển, chế tạo và bảo trì vũ khí hạt nhân cũng như tháo dỡ và tiêu hủy những vũ khí lỗi thời hiện có 40.000 nhân viên nhưng luôn luôn trong tình trạng "làm không hết việc".
Vào năm 1967, bộ ba hạt nhân (gồm máy bay ném bom hạt nhân, tàu ngầm mang tên lửa đầu đạn hạt nhân và hệ thống tên lửa tấn công hạt nhân từ mặt đất) từng có 31.225 đầu đạn và bom, khiến Washington mất 7 tỷ USD mỗi năm (theo tỷ giá hiện tại).
Chi phí này bao gồm số tiền để duy trì hoạt động 7 lò phản ứng plutonium, chế tạo lò phản ứng cho tàu ngầm, thiết kế và sản xuất đầu đạn mới, bảo dưỡng số lượng vũ khí hiện có và thử nghiệm hạt nhân liên tục dưới lòng đất Nevada với tần suất hàng chục lần trong một năm.
Ngày nay, mặc dù Mỹ chỉ còn 4.808 đầu đạn hạt nhân, toàn bộ hệ thống sản xuất plutonium đã dừng lại, không còn thử nghiệm hạt nhân nữa và giá thành bảo dưỡng bộ ba hệ thống hạt nhân là 8.3 tỷ USD. Con số này không bao gồm chi phí sản xuất lò phản ứng hạt nhân cho Hải quân Mỹ.
Trong vòng một thập kỷ qua, kể từ nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống George W.Bush và Obama, giá thành bảo dưỡng những vũ khí hạt nhân đã sản xuất, tăng hơn 30%.
Bộ Năng lượng Mỹ đã nêu ra ba lý do leo thang về chi phí: thứ nhất, lợi nhuận của các nhà thầu tăng cao, thứ hai, giá thành bảo dưỡng cao của những vũ khí nhạy cảm và thứ ba, số lượng lớn dự án được đầu tư nhiều vốn bị hủy bỏ.
Đô đốc Richard Mies, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, quản lý toàn lực lượng hạt nhân của Mỹ và Norman Augustine, chủ tịch đã nghỉ hưu của Lockheed Martin đã cùng nhau lập ra bản báo cáo có tên "Giám sát An ninh Hạt nhân", lần đầu được cống bố vào tháng Tư năm nay.
Báo cáo cho biết: "Sự thiếu quan tâm của chính phủ khiến quần chúng hoang mang, lòng tin trong quốc hội mất đi và ý kiến ủng hộ, chuyên môn và năng lực bảo dưỡng thiết bị hạt nhân cũng giảm đi".
Hai người cũng thừa nhận rằng mặc dù các đầu đạn hạt nhân của Mỹ về mặt công nghệ vẫn còn sử dụng được, Washington đã "bỏ rơi" ngành công nghiệp vũ khí hạt nhân.
Một bài báo của Los Angeles Times đã viết, mặc dù chương trình vũ khí hạt nhân đang ngày một đắt đỏ, trang thiết bị quân sự của vũ khí hạt nhân Mỹ đã lỗi thời, thiết bị đã không được nâng cấp trong nhiều thập kỷ và một số thành phần của bộ ba hạt nhân đã không thể sử dụng được.
Ví dụ, máy bay B-52 có thể mang đầu đạn hạt nhân đã được sản xuất hơn một nửa thế kỷ trước (năm 1962) và hiện không có phương án thay thế trong tương lai gần. Máy bay B-52 dự kiến còn tiếp tục hoạt động thêm 26 năm nữa, sẽ có 80 năm phục vụ và có thể trở thành loại máy bay chiến đấu hoạt động quân đội lâu năm nhất.
Tên lửa Minuteman III sử dụng xilô của Mỹ, hiện vẫn còn 450 quả còn hoạt động ở Montana, Nebraska và Wyoming, được chế tạo vào những năm 1970 (quả cuối cùng được sản xuất vào năm 1978).
Tên lửa Minuteman được phóng đi. |
14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio cũng được thiết kế vào năm 1970, tuy nhiên việc thiết kế mẫu tầu ngầm hạt nhân mang tên lửa mới hiện đang được tiến hành.
Ngoài việc nền công nghiệp hạt nhân quân sự có nhiều sai sót và hệ thống mang tên lửa đã cũ, trong vòng hai năm qua đã có những vụ bê bối lên quan đến bộ ba hạt nhân của Mỹ.
Trong một số vụ, các sĩ quan đã bị giải ngũ và bị kỷ luật. Thế nhưng, nhiều người vẫn không biết về thông tin về sự giảm sút về chất lượng của vũ khí hạt nhân do tấm màn giữ bí mật của chính phủ Mỹ.
Vấn đề của vũ khí hạt nhân cũng có trách nhiệm của Cục Quản lý An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA), một bộ phận của Bộ Năng lượng chuyên quản lý các nhà máy vũ khí hạt nhân của Mỹ và các phòng thí nghiệm hạt nhân, cũng như đảm bảo khả năng chiến đấu của đầu đạn và lưu kho vũ khí.
Ông Norman Augustine nói thêm với Quốc hội rằng, NNSA "đang hướng dần đến khủng hoảng" và rằng cục quản lý "làm mất tín nhiệm và lòng tin của các lãnh đạo quốc gia (cũng như của Lầu Năm Góc) khi không có những vũ khí cần thiết và các cơ sở hạt nhân đúng hẹn và đúng ngân sách".
Ông Frank Klotz, giám đốc của NNSA và cựu chỉ huy Không lực hạt nhân, thừa nhận rằng thế hệ của ông "đều lớn lên trong Chiến tranh Lạnh, khi vũ khí hạt nhân là một trong những chủ đề nóng hổi của thế giới".
Nhưng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ông nói "chúng tôi đều thở dài giải tỏa và nói: "Ơn trời, chúng ta không phải lo về chuyện đó nữa". Thành thật mà nói, chúng tôi đã mất phương hướng".