Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mỹ trấn an đối tác sau thỏa thuận lịch sử với AUKUS

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel J. Kritenbrink khẳng định thỏa thuận mới của AUKUS nhằm tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

thoa thuan AUKUS anh 1

Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 14/3 về quan hệ đối tác an ninh của nhóm AUKUS (gồm Mỹ, Australia và Vương quốc Anh), ông Daniel J. Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh thỏa thuận mới nhất là “con đường tối ưu giúp Australia sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có vũ trang”.

Thỏa thuận được đưa ra sau 18 tháng thương thảo, giúp Australia trở thành nước thứ 7 sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ bán 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia cho Australia vào đầu thập niên tới, và Canberra có thể mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết, Nikkei đưa tin.

thoa thuan AUKUS anh 2

Ông Daniel J. Kritenbrink, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Ảnh: AP.

“Chúng tôi sẽ tận dụng tốt nhất các công nghệ và kỹ thuật từ Mỹ, Australia và Vương quốc Anh để thiết kế một lớp tàu ngầm mới, hỗ trợ Australia hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân mà các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp,... đã triển khai”, ông nói.

Đối với mối quan ngại của một số nước Đông Nam Á về phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Kritenbrink cho biết Mỹ “thường xuyên tham vấn và đối thoại với các đối tác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, về thỏa thuận được công bố hôm nay”.

“Chúng tôi đã có cơ hội giải thích rõ ràng cho các đối tác AUKUS đại diện cho điều gì và không thể hiện điều gì. Như Tổng thống Biden đã nhấn mạnh hôm nay, mục đích của liên minh là thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Thỏa thuận) là sự hiện đại hóa các liên minh và quan hệ đối tác hiện có”, ông nói.

Nhiều quan ngại

Theo ông Kritenbrink, AUKUS là một phần không thể thiếu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, và là cam kết cụ thể của ba nước thành viên với sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

“AUKUS đang gắn kết các đối tác của chúng tôi ở châu Âu và châu Á. Điều đó thể hiện số phận của tất cả khu vực trên thế giới gắn kết với nhau”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng dẫn đến mối lo ngại về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo Guardian, kế hoạch công bố hôm 13/3 cho thấy lỗ hổng trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 tạo cơ hội các các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chuyển vật liệu phân hạch và công nghệ hạt nhân sang những quốc gia không có loại vũ khí này.

thoa thuan AUKUS anh 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại Căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, California hôm 13/3. Ảnh: Reuters/Leah Millis.

Lỗ hổng cho phép vật liệu phân hạch được sử dụng cho mục đích quân sự không gây nổ được miễn kiểm tra và giám sát bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Do đó, các chuyên gia kiểm soát vũ khí lo ngại thỏa thuận có thể tạo tiền lệ cho các nước khác che giấu uranium hoặc plutonium được làm giàu ở cấp độ cao - yếu tố cốt lõi của vũ khí hạt nhân.

Trong buổi họp báo, ông Kritenbrink nói rằng thỏa thuận công bố hôm 13/3 có trách nhiệm và đảm bảo minh bạch, được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn cao nhất về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

“Tổng giám đốc IAEA đã khen ngợi và hoan nghênh cách tiếp cận của chúng tôi”, ông nói thêm.

Ông Kritenbrink cũng lặp lại khẳng định của Tổng thống Biden: “Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân. Và chương trình này sẽ được vận hành một cách an toàn”.

Về khu vực hoạt động của tàu ngầm, ông Kritenbrink cho biết hiện chưa có thông tin chính xác về nơi tàu ngầm hoạt động, song “một khi sở hữu tàu ngầm riêng, Australia có quyền quyết định nơi triển khai”.

Trong khi đó, một số chuyên gia trong ngành công nghiệp quốc phòng đã đề cập đến quy tắc kiểm soát xuất khẩu ITAR của Mỹ. Họ cho rằng những quy tắc này đã lỗi thời và khiến đồng minh của Washington khó tiếp cận kịp thời các thiết bị và hệ thống vũ khí tân tiến nhất. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến AUKUS và thỏa thuận về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Về vấn đề này, ông Grant Schneider, Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về AUKUS, khẳng định quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ không cản trở nỗ lực của liên minh.

“Khi thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này, chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác công nghệ và chia sẻ thông tin mới, đảm bảo (thỏa thuận) sẽ thành công”, ông cho hay.

“Không tiếp cận qua lăng kính độc quyền”

Ông Schneider cũng nhấn mạnh nỗ lực đa dạng quan hệ hợp tác của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“AUKUS chỉ là một trong số sáng kiến mà Mỹ đã tham gia trong hơn 2 năm qua để thể hiện cam kết với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là cam kết củng cố năng lực tập thể của các đồng minh, đối tác trên khắp thế giới”, ông cho hay.

“Từ cam kết với AUKUS, nhóm Bộ Tứ hay vai trò trung tâm của ASEAN trong tầm nhìn về khu vực Thái Bình Dương, chúng tôi sử dụng đan xen, linh hoạt tất cả cơ chế để xây dựng năng lực tập thể với các đối tác - những người cam kết thực hiện cùng một mục tiêu”, ông nói thêm.

thoa thuan AUKUS anh 4

Từ trái sang, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak công bố thỏa thuận mua tàu ngầm vào ngày 13/3. Ảnh: Reuters.

Với mối quan ngại về việc quy mô và tham vọng của AUKUS có thể khiến các đối tác nhỏ hơn, chẳng hạn New Zealand, bị loại khỏi chính sách đối ngoại và phát triển quốc phòng trong khu vực, ông Kritenbrink khẳng định điều này sẽ không xảy ra.

“Trong hai năm qua, Mỹ đã tăng cường cam kết và đầu tư vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên mọi lĩnh vực, cùng nhiều đối tác. Chúng tôi không tiếp cận khu vực thông qua lăng kính độc quyền. Thay vào đó, chúng tôi đang cố gắng xây dựng một mạng lưới quan hệ đan xen”, ông lý giải.

Theo InnovationAus, ngoài hợp tác quốc phòng, thỏa thuận AUKUS cũng bao gồm trụ cột quan trọng - tập trung phát triển một loạt công nghệ chiến lược về điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo, mang lại lợi thế chiến lược cho cả lĩnh vực thương mại. Điều này đặt ra câu hỏi về cơ hội gia nhập các hoạt động phi hạt nhân cho những quốc gia khác.

Tuy nhiên, ông Schneider cho biết hiện tại, 3 thành viên của AUKUS vẫn đang thảo luận về việc mở rộng thỏa thuận với các đối tác khác và chưa có quyết định chính thức.

Bên cạnh đó, “với trụ cột hợp tác phát triển tàu ngầm, hiện chúng tôi không có ý định mở rộng thỏa thuận ra ngoài 3 thành viên hiện tại”, ông nói.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.

Mỹ, Anh, Australia công bố thỏa thuận lịch sử

Lãnh đạo liên minh AUKUS, gồm 3 nước Mỹ, Anh, Australia ngày 13/3 công bố thỏa thuận cho phép Australia lần đầu tiên có thể sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Mỹ, Australia, Anh sắp công bố chi tiết thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân

Lãnh đạo các nước thành viên AUKUS dự kiến công bố các chi tiết trong dự án đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia, với sự giúp đỡ về công nghệ của Mỹ và Anh.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm