“Về việc hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải cho đối tác trong khu vực, bao gồm việc hỗ trợ hoạt động tuần duyên và cung cấp các khí tài phòng ngự dôi dư (EDA) như tàu tuần duyên, tôi muốn nói rằng chắc chắn công tác này đang diễn ra và sẽ được tiếp tục thực hiện với nhiều đối tác, không chỉ Việt Nam”, ông Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, trả lời Zing trong buổi họp báo sáng 17/2.
“Chúng tôi làm vậy vì tin rằng để có thể có một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mọi quốc gia nên có năng lực nhận thức được những gì đang diễn ra trên biển, cũng như có khả năng bảo vệ lợi ích của mình”, ông Kritenbrink, người từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói.
Tàu tuần duyên lớp Hamilton đầu tiên Mỹ chuyển giao cho Việt Nam. Ảnh: USNI News. |
Trước đó, Mỹ từng bàn giao hai tàu tuần duyên cho Cảnh sát biển Việt Nam, lần lượt là tàu CSB 8021 vào năm 2021 và tàu CSB 8020 năm 2017.
Buổi họp báo sáng 17/2 diễn ra ít lâu sau khi Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới vào hôm 11/2, trong đó đề cập Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Mỹ tại khu vực.
Tại họp báo, ông Kritenbrink còn cho biết vấn đề nền kinh tế số sẽ là một phần “quan trọng” trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là chiến lược về kinh tế mà Mỹ sẽ công bố trong tương lai sau khi tham vấn với đồng minh và đối tác trong khu vực.
Ông Kritenbrink cho biết Mỹ hiện không có ý định trao đổi với Trung Quốc về chiến lược kinh tế này.