Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tại lễ kỷ niệm 126 năm thành lập quân đội Philippines. Ảnh: Reuters. |
Reuters dẫn tuyên bố của Tổng thống Marcos cho biết 4 căn cứ quân sự mới sẽ được bố trí rải rác tại các tỉnh khác nhau của Philippines, trong đó có một căn cứ được đặt tại khu vực nằm sát với Biển Đông.
"Một số căn cứ sẽ được đặt ở phía bắc. Một số cơ sở khác được đặt tại tỉnh Palawan và ở phía nam", ông Marcos trả lời phóng viên bên lề lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội Philippines
Vào tháng 2, ông Marcos đã cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 địa điểm trên lãnh thổ Philippines, bên cạnh 5 địa điểm đã được cấp phép trước đó.
Việc cho phép Mỹ lập căn cứ tại Philippines là một phần của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) được 2 nước ký kết vào năm 2014.
Thỏa thuận EDCA cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines cho mục đích huấn luyện, bố trí thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng như đường băng, kho dự trữ nhiên liệu và nhà ở. Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không kéo dài vĩnh viễn.
Theo ông Macros, chính quyền Mỹ và Philippines sẽ sớm thông báo địa điểm của những căn cứ mới được thiết lập. Tổng thống Philippines khẳng định những căn cứ này sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ "phần phía đông" đảo Luzon, hòn đảo gần Đài Loan nhất của nước này.
Một cựu lãnh đạo quân đội Philippines cho biết Mỹ đã yêu cầu được tiếp cận các căn cứ nằm tại các tỉnh Isabela, Zambales và Cagayan trên đảo Luzon ở phía bắc, sát với Đài Loan. Washington cũng muốn tiếp cận cơ sở trên đảo Palawan ở phía tây nam, sát với Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm 22/3 đã tái khẳng định lập trường rằng Mỹ đang có hành vi làm gia tăng căng thẳng khi đẩy mạnh triển khai lực lượng quân đội trong khu vực.
"Chúng tôi tin rằng sự hợp tác về quân sự giữa các quốc gia nên hướng tới mục tiêu tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực thay vì làm tổn hại lợi ích của các quốc gia khác", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết.
Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, do tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, nói về lịch sử xác lập, thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.