Binh sĩ Mỹ và Thái Lan trong một cuộc tập trận chung tại Thái Lan. Ảnh: AP |
Dưới sự chỉ đạo của tướng Prayuth Chan-ocha, Quân đội Hoàng gia Thái Lan lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm 22/5/2014 nhằm chấm dứt thế bế tắc chính trị trong 6 tháng. Sau đó vua Thái phê chuẩn tướng Prayuth giữ chức thủ tướng.
Rất ít người hy vọng quân đội sẽ từ bỏ quyền lực chính trị trước khi họ tin chắc rằng quá trình chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự sẽ diễn ra êm thấm, Diplomat nhận định.
Thực tế đó đẩy liên minh Mỹ - Thái vào thế khó. Washington chỉ muốn khôi phục hoàn toàn quan hệ hợp tác với Bangkok khi một chính phủ dân cử điều hành Thái Lan. Vì thế, dù đang muốn mở rộng vai trò ở châu Á, họ vẫn chưa chú ý tới Thái Lan. Theo quan điểm của Bangkok, những lời chỉ trích gay gắt và biện pháp trừng phạt từ đồng minh thân cận lâu năm trong lúc họ đang bước vào thời kỳ chuyển tiếp quan trọng là điều không thể chấp nhận, đặc biệt là khi Trung Quốc luôn sẵn sàng lấp chỗ trống mà Mỹ để lại.
Song trên thực tế, dù những trở ngại tồn tại, trong vài tháng qua giới chức Mỹ và Thái Lan đã nỗ lực để khôi phục quan hệ bang giao.
Quan hệ quân sự và an ninh
Sau cuộc đảo chính, Mỹ ngừng một số chương trình viện trợ quân sự cho Thái Lan, đồng thời cắt hoạt động trao đổi quân sự cấp cao. Mặc dù vậy, phần lớn mối liên hệ quân sự khác vẫn tồn tại.
Hợp tác an ninh Mỹ - Thái ngày nay không thể sánh với thời kỳ hoàng kim. Song Thái Lan vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Thái Lan là đối tác quân sự có giá trị lớn mà Lầu Năm Góc có thể sử dụng để phục vụ các nỗ lực an ninh đa phương và đối phó những thách thức an ninh trong khu vực cũng như toàn cầu.
Tầm quan trọng của Thái Lan trở nên rõ ràng trong vụ động đất tại Nepal hồi tháng 4 cũng như cuộc khủng hoảng di cư của người Rohingya và Bangladesh trong Biển Andaman và Eo biển Malacca. Do Thái Lan không hỗ trợ, Mỹ gặp nhiều trở ngại trong quá trình đưa nhân lực, hàng hóa sang Nepal, cũng như điều động máy bay tuần tra trên biển để cứu người tị nạn.
Một số quan chức tại Washington đã tỏ ra bất bình khi Thái Lan tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc sau cuộc đảo chính. Hồi tháng 6, Bangkok phê chuẩn đề xuất mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc – một quyết định mà ngay cả các chuyên gia an ninh ở Bangkok cũng ngạc nhiên. Hồi tháng 11, hai nước tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên của không quân.
“Điều rõ ràng là Thái Lan đang tăng cường hợp tác an ninh với Trung Quốc, và tôi nghĩ họ làm vậy để chứng tỏ với Mỹ rằng họ vẫn còn những lựa chọn khác. Chúng ta không nên xem nhẹ hành động ấy của Thái Lan, bởi nó cho thấy cuộc cạnh tranh nhằm giành ảnh hưởng đang diễn ra”, Desmond Walton, cựu tùy viên quân sự của đại sứ quán Mỹ tại Bangkok và cựu giám đốc phụ trách Đông Nam Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, bình luận với Diplomat.
Chính trị và ngoại giao
Về mặt chính trị, cuộc đảo chính khiến giới quan sát không thể đoán thời điểm Thái Lan sẽ quay lại chế độ dân chủ. Chính phủ quân sự nhiều lần công bố kế hoạch khôi phục dân chủ để rồi lại thất hứa. Giờ đây họ chỉ nói cuộc bầu cử dân chủ sẽ diễn ra vào giữa năm 2017. Trong khi đó, quân đội vẫn hạn chế các quyền dân sự. Giới chức Thái tỏ ra giận dữ khi Washington liên tục thúc giục họ khôi phục chế độ dân chủ.
Mặc dù vậy, hồi tháng 2, Bangkok đã bổ nhiệm ông Pisan Manawapat làm đại sứ ở Mỹ. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, Pisan nói khôi phục quan hệ với Mỹ là nhiệm vụ cấp bách nhất của ông. Tháng 9, Mỹ cũng chỉ định ông Glyn Davies làm đại sứ ở Thái Lan.
"Đương nhiên tôi muốn quan hệ Mỹ - Thái phục hồi 100%, nhưng tôi cũng sẵn sàng làm việc khi mức độ khôi phục chỉ là 95%", Davies phát biểu với Bangkok Post trong tháng 11.
Giới chức Mỹ và Thái Lan đều khẳng định nhiều lần rằng quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước không những tiếp tục, mà còn mở rộng trong một số mảng như y tế công cộng, hành pháp, chống tội phạm ma túy và biến đổi khí hậu.
Kinh tế
Kinh tế Thái Lan không chịu tác động của cuộc đảo chính năm ngoái. Dù tình hình khó khăn, chính phủ quân sự vẫn cố gắng thúc đẩy thương mại và đầu tư với Mỹ cũng như các nước lớn khác (Nhật Bản, Trung Quốc).
Từ khi nắm quyền, chính phủ quân sự cố gắng chèo lái để con thuyền kinh tế thoát khỏi tình trạng nguy hiểm – với kim ngạch xuất khẩu không tăng, đầu tư cá nhân thấp và đồng bath yếu. Hồi tháng 9, Ngân hàng trung ương Thái Lan giảm mức dự báo tăng trưởng lần thứ 3 trong năm, theo đó kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức 2,7% (trước đó con số mà họ dự báo là 3%).
Chính phủ của tướng Prayuth cố gắng cải thiện hình ảnh của nền kinh tế vì họ hiểu duy trì sự ổn định của nền kinh tế là yếu tố cần thiết để thu hút sự quan tâm của Mỹ cũng như giới đầu tư. Hồi tháng 8, Prayuth bổ nhiệm Somkid Jatusriptak, một cựu bộ trưởng tài chính, làm trưởng nhóm cố vấn kinh tế của ông. Từ đó tới nay, Somkid đã công bố hàng loạt cải cách đúng đắn, như thúc đẩy kinh tế nông thôn để giảm bất công, tăng đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Mặc dù Thái Lan không tham gia các cuộc đàm phán về Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bangkok từng thể hiện nguyện vọng trở thành một phần của hiệp định. Trong một cuộc họp báo tại Tokyo hồi tháng 11, Somkid tuyên bố Thái Lan rất quan tâm tới việc tham gia TPP. Đương nhiên, Bangkok sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức trước khi họ có thể biến nguyện vọng thành hiện thực.
Kịch bản cho tương lai
Mặc dù phải đối mặt với nhiều vấn đề, Mỹ và Thái Lan đã nỗ lực, cả trong những sự kiện công khai lẫn những cuộc họp kín, để cứu vãn liên minh lâu đời nhất tại châu Á. Nhưng ngay cả khi cuộc đối thoại chiến lược diễn ra hôm 16/12, định hướng của mỗi nước vẫn chưa rõ ràng.
Ẩn số quan trọng nhất vẫn là chính trị nội bộ của Thái Lan. Mặc dù Washington muốn chính phủ quân sự khôi phục hoàn toàn chế độ dân chủ, nhiều người dự đoán quân đội sẽ tiếp tục nắm quyền trong tương lai. Ngoài ra, chuyện kế vị trong Hoàng gia cũng sẽ là một yếu tố có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của đất nước. Pavin Chachavalpongpun, một nhà nghiên cứu chính trị Thái Lan của Đại học Stanford (Mỹ), nhận định giai đoạn quân đội điều hành sẽ kéo dài khá lâu.
“Chúng ta sẽ phải chờ lâu trước khi Thái Lan có thể trở lại tình trạng dân chủ bình thường như trước đây. Đó sẽ là cuộc chơi dai dẳng và phụ thuộc vào quá trình chuyển giao ngai vàng trong Hoàng gia”, Pavin nhận định.
Nếu dự đoán của Pavin trở thành hiện thực, Washington sẽ phải tiếp tục cư xử khéo léo để vừa gây áp lực cho chế độ quân sự, vừa tăng mức hợp tác chiến lược. Chỉ với một tuyên bố bất cẩn từ Mỹ, Thái Lan có thể rời xa vòng tay của Washington để xích lại gần những nước khác, ví dụ như Trung Quốc.