Washington đã trao đổi với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Singapore, về việc tăng cường hơn bao giờ hết sức ép nhằm kiểm soát việc Bình Nhưỡng sử dụng thương mại biển "nuôi" chương trình tên lửa hạt nhân, Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức.
Theo các quan chức giấu tên, chiến lược này kêu gọi theo dõi chặt chẽ hơn và có thể bắt giữ các tàu nghi chở vũ khí và hàng hóa bị cấm đến hoặc đi khỏi Triều Tiên. Theo họ, tùy thuộc vào quy mô của chiến dịch, Mỹ có thể xem xét tăng cường năng lực hải quân và không quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Sáng kiến do Mỹ đề xuất cho thấy mong muốn ngày càng lớn của Washington buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán về việc từ bỏ các chương trình vũ khí.
Triều Tiên có thể chỉ mất vài tháng nữa để hoàn thiện một tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, vốn cũng bị "lách qua" bởi buôn lậu và chuyển hàng cấm trên biển.
Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận chính thức.
Tàu tuần tra USCGC Bertholf của lực lượng tuần duyên Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters. |
Nỗ lực này có thể nhằm vào các tàu trên biển hoặc trong lãnh hải các nước đồng ý hợp tác. Tuy nhiên, mức độ mở rộng ngoài phạm vi châu Á của chiến dịch này chưa rõ ràng.
Hôm 23/2, Washington áp biện pháp trừng phạt lên thêm hàng chục công ty và tàu liên quan đến thương mại hàng hải với Triều Tiên và thúc giục Liên Hợp Quốc đưa nhiều thực thể vào danh sách đen. Washington cho hay động thái này nhằm đẩy lùi những hoạt động buôn lậu hàng hải bất hợp pháp của Bình Nhưỡng để lấy dầu và bán than.
Những biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn, cùng cách tiếp cận quyết đoán hơn trên biển có thể làm gia tăng căng thẳng vào thời điểm quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang có thêm động lực. Điều này cũng có thể kéo giãn những nguồn lực quân sự của Mỹ ở những nơi khác, gây ra những phí tổn mới to lớn và những quan ngại về nhiên liệu cho nhiều nước trong khu vực.
Kiểm tra tàu
Sáng kiến đang trong quá trình phát triển này mang đầy những thách thức có thể kích thích Triều Tiên trả đũa và chia rẽ cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc và Nga, hai quốc gia đã bác bỏ những nỗ lực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc nhằm giành sự đồng thuận cho việc sử dụng vũ khí trong các hoạt động ngăn chặn Triều Tiên, có thể tiếp tục phản đối nếu thấy Mỹ đi quá giới hạn. Một quan chức Trung Quốc giấu tên cho hay những hành động như vật chỉ được thực hiện dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Trong một tuyên bố gửi Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ không biết gì về kế hoạch này, nhưng về nguyên tắc, Trung Quốc tin các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Triều Tiên cần được thực hiện đầy đủ và triệt để. "Đồng thời, chúng tôi hy vọng các nước có liên quan sẽ hành động theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và luật pháp quốc tế", tuyên bố viết.
Tuy nhiên, Washington dự kiến bắt đầu tăng tốc các hoạt động ngay cả khi các cuộc thảo luận với các đồng minh chưa ngã ngũ, quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Các chuyên gia Mỹ đang phát triển các lập luận pháp lý để tăng cường ngăn chặn các tàu vi phạm lệnh trừng phạt, trích dẫn nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an kêu gọi các quốc gia kiểm tra tàu khả nghi trên biển hoặc trong lãnh hải của họ. Washington cũng đang thiết lập quy tắc cam kết nhằm tránh đối đầu vũ trang trên biển, các quan chức cho biết.
Một quan chức Nhật Bản nói các cuộc thảo luận với Mỹ tập trung vào sự cần thiết tăng cường hợp tác giám sát và chia sẻ thông tin giữa Washington, Tokyo và Seoul về việc chuyển hàng giữa các tàu nghi là vi phạm lệnh trừng phạt, và sự cần thiết của việc thông váo cho các quan chức tại các cảng mà tàu xuất phát.
Quan chức này cùng một quan chức khác ở Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay theo các biện pháp hiện tại của Liên Hợp Quốc, để tiến hành kiểm tra tàu trên biển cần sự đồng ý của quốc gia có cờ cắm trên tàu và thuyền trưởng.
"Tôi cho rằng khó xảy ra việc Liên Hợp Quốc tăng cường lệnh trừng phạt để có thể kiểm tra trên biển mà không cần sự đồng ý", quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết. "Theo quan điểm của đất nước được đề cập, đó sẽ là hành động chiến tranh", ông nói, liên hệ tới Triều Tiên.
Tàu Triều Tiên bị phát hiện chuyển hàng cấm giữa biển. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản/AP. |
Hôm 23/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói với các phóng viên ở Washington rằng Mỹ không loại trừ việc cho tấn công tàu để kiểm tra. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết hành động như vậy sẽ được quyết định hết sức thận trọng và tùy theo từng trường hợp.
Một số quan chức Mỹ tin rằng nguy cơ có thể được giảm thiểu nếu các tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Mỹ, với ít hỏa lực và thường liên quan tới các nhiệm vụ thi hành luật pháp, được sử dụng thay tàu chiến trong một vài trường hợp.
Cảnh sát biển Mỹ từ chối nói liệu họ có triển khai tàu đến châu Á - Thái Bình Dương hay không, nhưng thừa nhận có liên hệ với các nước trong khu vực. "Việc triển khai tàu sẽ phụ thuộc vào các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ và tính sẵn có của các tàu của chúng tôi", phát ngôn viên Dave French khẳng định.
Càng nhiều đối tác, càng nhiều nguồn lực
Một quan chức cao cấp của chính phủ Hàn Quốc cho hay những cuộc thảo luận về "các biện pháp can thiệp hàng hải tăng cường" đã diễn ra, bao gồm cả cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ở Vancouver tháng trước, nơi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhấn mạnh vấn đề này.
"Chúng tôi đang thảo luận với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc để làm sao thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt, nhưng tôi chưa nghe nói tới việc tạo ra một khuôn khổ hoặc một liên minh", quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Trả lời câu hỏi của Reuters, Bộ Ngoại giao Nhật Bản chỉ lặp lại lời kêu gọi của Tokyo về "áp lực tối đa" đối với Bình Nhưỡng.
Bộ từ chối bình luận về các cuộc thảo luận cụ thể với các nước khác, tuy nhiên khẳng định Nhật Bản vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế bao gồm Trung Quốc và Nga để đảm bảo hiệu quả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Công nhân Triều Tiên tải hàng hoá lên một bến tàu có cờ Trung Quốc và Triều Tiên ở Sinuiju, Triều Tiên. Việc chuyển hàng của Triều Tiên tại các cảng hiện bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều. Ảnh: AP. |
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn từ các nước Đông Nam Á, vốn có ít khả năng quân sự hỗ trợ nhưng được xem như nguồn thông tin tình báo về hoạt động của các tàu, các quan chức Mỹ cho biết.
"Càng có nhiều đối tác, chúng ta càng có nhiều nguồn lực dành cho cho nỗ lực này", Chris Ford, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, nói.
Washington đặc biệt quan tâm phát hiện việc chuyển hàng cấm qua tàu giữa biển, biện pháp Triều Tiên sử dụng ngày càng nhiều bởi tàu tại các cảng ở châu Á phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ về hàng hóa.
Hồi tháng 12/2017, các tàu chở dầu của Nga vi phạm các lệnh trừng phạt bằng việc cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên trên biển. Washington cũng cho hay vào thời điểm đó có bằng chứng cho thấy các tàu thuyền từ nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, có liên quan đến việc chuyển các sản phẩm dầu và than. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc.