Khoảng 70 nghị sĩ đảng Tự do Hàn Quốc (LKP, tên cũ là đảng Saenuri), đảng đối lập chính ở nước này, tổ chức tuần hành lớn trước Dinh Tổng thống để phản đối việc Seoul tiếp đón một nhân vật gây tranh cãi: ông Kim Yong Chol, phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương thuộc đảng Lao động Triều Tiên.
Ông Kim Yong Chol sẽ lưu lại Hàn Quốc 3 ngày với tư cách trưởng phái đoàn Triều Tiên dự lễ bế mạc Olympics mùa đông. Ảnh: NYT. |
Ông Kim đến Hàn Quốc vào cuối tuần này để dự lễ bế mạc Olympics mùa đông vào tối 25/2. Sau đó ông sẽ hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào sáng đầu tuần sau. Hai ông dự kiến thảo luận tình hình hiện tại ở bán đảo Triều Tiên, khả năng nối lại đối thoại giữa hai miền.
Đáng chú ý, ông Kim bị đảng LKP cáo buộc là nhân vật phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tàu chiến Cheonan bị đánh chìm vào tháng 3/2010 cũng như vụ pháo kích đảo biên giới Yeonpyeong vào tháng 11 cùng năm.
Ông trùm tình báo Triều Tiên
Kim Yong Chol được xem là một trong những người quyền lực nhất Triều Tiên hiện nay. Ông sinh vào năm 1945 và bắt đầu sự nghiệp quân sự tại một chốt canh gác ở khu vực phi quân sự (DMZ) từ năm 1962. Sau đó, ông trở thành vệ sĩ cận kề cố lãnh đạo Kim Yong Il, rồi nhanh chóng thăng tiến.
Ông Kim Yong Chol (bên trái, hàng đầu) trong một lần tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Yong Il thăm một đơn vị quân sự. Ảnh: KCNA. |
Kim Yong Chol trở thành người đàm phán chính về các vấn đề quân sự trong giai đoạn đối thoại liên Triều 2006-2008, sau đó được bổ nhiệm đứng đầu Tổng cục Tình báo năm 2009 (RGB), cơ quan được ví như “CIA của Triều Tiên”. RGB giai đoạn này được tổ chức dựa trên cơ cấu lại các đơn vị tình báo trong quân đội, bao gồm thu thập tình báo, điều hành các mạng lưới và huấn luyện điệp viên, lên kế hoạch ám sát những công dân Triều Tiên đào tẩu và đang sống ở Hàn Quốc…
Giai đoạn lãnh đạo của Kim Yong Chol tại RGB chứng kiến sự mở rộng của các đơn vị chiến đấu điện tử của Triều Tiên. Ngoài cáo buộc trách nhiệm trong 2 vụ tấn công nhằm vào Hàn Quốc năm 2010, ông Kim Yong Chol bị Mỹ tình nghi là người chỉ đạo vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony năm 2014, để trả đũa hãng này làm phim chế giễu nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Sự việc đó được xem là lần tấn công quy mô lớn đầu tiên của tin tặc Triều Tiên nhằm vào Mỹ. “Kim Yong Chol chắc chắn là người phê chuẩn kế hoạch này”, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (DNI) khi đó là James Clapper nói.
Tờ Chosun cho biết ông Kim Yong Chol cũng từng trải qua những giai đoạn biến động, như khi bị hạ cấp bậc từ tướng 4 sao thành 3 sao vào năm 2012 “do năng lực yếu kém” sau nhiều vụ một số gián điệp Triều Tiên bị bắt ở Hàn Quốc. Nhưng ông nhanh chóng được phục vị cùng năm, rồi được phân phó vào các vị trí quan trọng khác, qua đó giành lại quyền lực.
Ông Kim Yong Chol (bìa phải) thường xuất hiện trong những lần nhà lãnh đạo Kim Jong Un đi công tác tại các đơn vị trong quân đội. Ảnh: KCNA. |
Từ đầu năm 2016, ông rút khỏi khu vực quân đội và chuyển sang đơn vị dân sự, làm lãnh đạo tại Ban Mặt trận Thống nhất của đảng Lao động Triều Tiên, phụ trách những vấn đề quan hệ với Hàn Quốc. Việc được bổ nhiệm làm trưởng phái đoàn Triều Tiên tham gia lễ bế mạc Olympics mùa đông lần này đã khẳng định tầm quan trọng của Kim Yong Chol trong bộ máy lãnh đạo ở Triều Tiên.
Hàn Quốc chia rẽ
So với hai đời chính quyền trước của Hàn Quốc thì chính phủ của Tổng thống Moon Jae In chủ trương cải thiện quan hệ với Triều Tiên, nên các chính sách hiện nay với Bình Nhưỡng được cho là mềm mỏng hơn và hướng tới thúc đẩy nối lại đối thoại. Do vậy, việc Seoul đồng ý đón tiếp ông Kim Yong Chol vấp phải sự phản đối gay gắt của phe đối lập.
Chủ tịch đảng LKP là Hoong Joon Pyo chỉ trích chính quyền Moon “mù quáng” rơi vào kế sách của Bình Nhưỡng nhằm châm ngòi xung đột ở Hàn Quốc và tạo ra khoảng cách giữa Seoul với Washington. LKP nói sự chấp thuận đón tiếp của Seoul không khác gì “hành động phản quốc”, theo báo Korea Herald.
Năm 2010 đánh dấu giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ hai miền sau vụ tấn công tàu chiến Cheonan và Triều Tiên pháo kích đảo biên giới của Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Nghị sĩ Kim Sung Tae, một trong số các nghị sĩ phản đối trước Dinh Tổng thống Hàn Quốc ngày 23/2, nói: “Chúng tôi yêu cầu chính quyền huỷ bỏ ngay việc tiếp đón Kim Yong Chol, đối tượng bị Hàn Quốc và quốc tế đưa vào danh sách trừng phạt”.
Một đảng đối lập khác, đảng Bareunmirae, cũng gay gắt phản đối chuyến đi của ông Kim Yong Chol. “Tổng thống Moon không thể gặp gỡ ông ta. Đây là sự xúc phạm đối với Hàn Quốc, với quân đội và nhân dân chúng ta”, đồng sáng lập đảng là ông Yoo Seong Min nói.
Nghị sĩ Park Joo Sun, đảng Bareunmirae, cho rằng sự tiếp đón Kim Yong Chol chính là “tạt gáo nước lạnh lên ý nghĩa hoà bình của Olympics”. “Người dân xem Kim Yong Chol là thủ phạm chính trong bi kịch tàu Cheonan nên họ giận dữ là điều dễ hiểu. Tôi tự hỏi liệu chính phủ có chất vấn Bình Nhưỡng về lý do cử ông ta đến Hàn Quốc hay không? Seoul cần yêu cầu đổi người”, ông Park nói.
Sự phản đối gay gắt của một bộ phận công luận cùng truyền thông Hàn Quốc buộc chính quyền Seoul phải giải thích lý do chấp nhận tiếp đón Kim Yong Chol; dù về lý thuyết thì ông này bị “cấm cửa” ở Hàn Quốc do đang là đối tượng bị trừng phạt.
Các đảng đối lập ở Hàn Quốc phản đối gay gắt việc Seoul đón tiếp Kim Yong Chol. Ảnh: Yonhap. |
Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định Kim Yong Chol chính là “người thích hợp nhất”cho các cuộc đối thoại liên Triều về phi hạt nhân hoá.
“Khi xem xét hoàn cảnh khó khăn hiện tại, chúng tôi quyết định chú trọng vào cơ hội thúc đẩy hoà bình trên bán đảo và cải thiện quan hệ liên Triều có thể nảy sinh từ cuộc đối thoại với các quan chức Triều Tiên lần này; chứ không phải săm soi quá khứ của họ”, Người phát ngôn bộ này, ông Baik Tae Hyun, nói.
Trong khi đó, vị nghị sĩ Kang Seok Ho sau khi lắng nghe báo cáo của cơ quan tình báo Hàn Quốc thì cũng “nói đỡ” cho Kim Yong Chol rằng: “Việc suy đoán thì là như vậy, nhưng không thể khẳng định chắn chắn rằng chính ông ta là người ra lệnh bắn chìm tàu Cheonan”.
Trước tinh thần “lạc quan” của chính quyền đối với Kim Yong Chol, trang NK Leadership Watch cảnh báo ông này không phải là một người dễ đối phó trên bàn đối thoại. Trong một lần tiếp xúc với đoàn đại biểu Hàn Quốc năm 2007, ông này thẳng thừng bác bỏ những đề xuất của Seoul và nói: “Hy vọng các ông có mang theo những bộ đề xuất khác”.
Sau lễ bế mạc Olympics, Tổng thống Moon Jae In sẽ hội đàm cùng ông Kim Yong Chol vào ngày 26/2. Để trấn an bức xúc của một bộ phận dư luận, ông Moon khẳng định các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hoá và cải thiện quan hệ vẫn là hai vấn đề tách bạch. “Hàn Quốc khẳng định chắc chắn rằng sẽ không bao giờ công nhận Triều Tiên là nhà nước hạt nhân”, thông cáo của Nhà Xanh dẫn lời Tổng thống Moon.