Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc đã trở thành nền cho một loạt những vận động địa chính trị. Trong khi phần lớn ánh mắt thế giới đổ về Pyeongchang, cặp mắt khác từ Bắc Kinh lại tập trung duy nhất vào Washington. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính là muốn dò xét liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thực sự nghiêm túc với ý định dùng sức mạnh quân sự chống lại Triều Tiên?
Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, thoải mái bắt tay tổng thống Hàn Quốc trong đêm khai mạc Olympics mùa đông. Ảnh: Reuters. |
Ông Tập từ chối lời mời nhiệt tình từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và không tham dự buổi lễ khai mạc ở Pyeongchang. Trong khi vào bốn năm trước đó, ông đã đến dự Olympics mùa đông ở Sochi và gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong bối cảnh Trung Quốc là nước chủ nhà tiếp theo của Olympics mùa đông 2022, việc ông Tập đến dự và tươi cười trong đêm khai mạc tại sân vận động ở Pyeongchang là điều hết sức tự nhiên. Nhưng thực tế là vị chủ tịch Trung Quốc không có nhiều thời gian nhàn nhã như vậy.
Dò xét thái độ của Mỹ
“Đó là hành động thể hiện quan điểm ngoại giao rõ ràng của Trung Quốc ngay trong ngày khai mạc. Ông Tập phớt lờ Olympics ở Pyeongchang và chỉ chú ý đến Donald Trump”, một nguồn tin Trung Quốc nói với Nikkei.
Người này nhắc lại chuyến công du tại Nhà Trắng hồi 9/2 gây bất ngờ của ông Dương Khiết Trì, Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách đối ngoại và là một trong 25 thành viên của Bộ Chính trị nước này. Ông Dương cũng là một trong những quan chức Trung Quốc giàu kinh nghiệm xử lý các vấn đề quan hệ với Mỹ nhất.
Ông Dương Khiết Trì gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 8/2. Ảnh: Reuters. |
Không khó để nắm bắt mệnh lệnh của Chủ tịch Tập đặt ra cho ông Dương qua chuyến đi này: Tìm hiểu ý định thực sự của Tổng thống Trump với Triều Tiên; và ông ta có ý gì khi nói tất cả biện pháp đều sẵn sàng.
Hiểu rõ kế hoạch của Trump là điều rất quan trọng đối với Bắc Kinh. Nếu khả năng biện pháp quân sự là cao, Trung Quốc sẽ phải tính toán lại các kế hoạch với Triều Tiên.
Tại Washington, ông Dương đã nỗ lực khai thác mọi kênh có thể. Bên cạnh buổi làm việc với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc còn gặp gỡ Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster cùng cố vấn của tổng thống là người con rể Jared Kushner.
Một động thái nói lên nhiều ý nghĩa là việc ông Tập Cận Bình phái ông Hàn Chính, thành viên đứng thứ 7 trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đến dự lễ khai mạc Olympics mùa đông. Tại Pyeongchang, ông Hàn dự buổi tiệc tối theo lời mời của Tổng thống Moon, giao lưu cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Trưởng phái đoàn Triều Tiên Kim Yong Nam.
Tính toán của Mỹ
Trong khi đó, cô Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, chiếm phần lớn sự chú ý của truyền thông khi vừa đến nước láng giềng. Đây là điều dễ hiểu khi cô là thành viên gia tộc họ Kim cầm quyền ở Triều Tiên đầu tiên đến thăm Hàn Quốc.
Nhưng sự thờ ơ của phái đoàn Mỹ với đoàn đại biểu Triều Tiên cũng nhanh chóng lọt vào mắt giới báo chí. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence không dự buổi tiệc do tổng thống Hàn Quốc chủ trì trước giờ khai mạc. Ông không tiếp xúc với các đại diện Triều Tiên dù ngồi rất gần vị trí của Kim Yo Jong, và chỉ nán lại khoảng 5 phút trong lễ khai mạc.
Phó tổng thống Mỹ không hề có hành động tương tác nào với đoàn đại biểu Triều Tiên. Ảnh: . |
Trong chuyện này, Tổng thống Moon khó tránh vài phần trách nhiệm do ông chưa chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sau một thời gian dài căng thẳng.
Phó tổng thống Pence được xem là một trong số rất ít người trung thành với ông Trump. Nếu như tổng thống đang xem xét một hành động quân sự với Triều Tiên, thì “phó tướng” của ông không thể ung dung mà thoải mái bắt tay cùng cô Kim Yo Jong hay trưởng phái đoàn Triều Tiên là Kim Jong Nam.
Về phần Triều Tiên, dù đang chịu hàng loạt cấm vận quốc tế và đối mặt với lời đe doạ tấn công từ Mỹ, Bình Nhưỡng vẫn không ngừng đẩy căng thẳng dâng cao. Vào ngày 8/2, trước thềm khai mạc Olympics, Triều Tiên bất ngờ tổ chức diễu hành quân sự và “khoe” các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
“Trước nhiều sức ép từ Mỹ, ông Kim Jong Un vẫn bình tĩnh suy nghĩ và đưa ra quyết định một cách lý trí. Có lẽ Triều Tiên cũng thực sự lo ngại sẽ bị Mỹ tấn công nên đi nước cờ này (tham gia Olympics) nhằm ngăn chặn việc đó”, một nguồn tin am hiểu quan hệ Trung - Triều nói.
Việc mời tổng thống Hàn Quốc dự hội nghị liên Triều cấp cao ở Bình Nhưỡng cũng là một phần trong nước cờ đó.
Nếu việc chuẩn bị cho hội nghị này không sớm thực hiện, ông Trump rốt cuộc có thể gia tăng quyết tâm tấn công Triều Tiên. Hơn nữa, Bình Nhưỡng cũng không còn nhiều thời gian do các cấm vận quốc tế liên tiếp đã làm tê liệt nền kinh tế nước này.
“Ông Kim Jong Un đã cố gắng sử dụng dịp Olympics để nắm bắt Tổng thống Moon Jae In”, người này nhận định.
"Củ khoai nóng" Triều Tiên
Bản tin thời sự chính của Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) sắp xếp tin về lời mời của Kim Jong Un chuyển đến ông Moon Jae In là ở vị trí thứ 9. Đài này cũng đơn thuần đưa tin và không bình luận.
Bắc Kinh từ trước đến nay luôn ủng hộ một hội nghị liên Triều như vậy. Tuy nhiên, ở bối cảnh này, việc đối phó với chương trình hạt nhân Triều Tiên được họ cho là quan trọng hơn nhiều so với việc thúc đẩy một cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Hàn - Triều.
Ông Kim Jong Un tại buổi diễu binh trước ngày khai mạc Olympics mùa đông ở Hàn Quốc. Ảnh: Kyodo. |
Mặt khác, Trung Quốc thận trọng không đưa ra bình luận vì vẫn chưa nắm chắc quan điểm của Tổng thống Trump. Nếu lúc này mà Trung Quốc và Mỹ lại phát sinh bất đồng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa hai bên.
Trong khi đó, “tuần trăng mật” giữa Bắc Kinh - Seoul không kéo dài quá lâu. Trước khí thế khó kiềm hãm của Triều Tiên, Hàn Quốc cuối cùng đã chấp thuận triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD do Mỹ sản xuất. Phạm vi bao phủ của hệ thống này lấn sang Trung Quốc và điều đó khiến ông Tập Cận Bình rất không hài lòng.
Trước sự cứng rắn của Hàn Quốc, Trung Quốc đáp trả bằng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và hạn chế du khách Trung Quốc đến chiều ngược lại. Động thái này gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc.
Đối với Bắc Kinh, một trong những vấn đề quan tâm là khi nào Mỹ và Hàn Quốc sẽ nối lại các cuộc tập trận quân sự thường niên sau Olympics và Paralympics; và Trung Quốc nên phản ứng như thế nào. Về phần Triều Tiên, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ yêu cầu huỷ bỏ tập trận như một điều kiện tiền đề để tiến hành gặp gỡ cấp cao.
Chưa bao giờ trong lịch sử Olympics mà một kỳ thế vận hội bị chính trị hoá nặng nề nhất như sự kiện lần này ở Pyeongchang. Sau khi Olympics kết thúc, giới quan sát có thể sớm được giải đáp thắc mắc ở hai vấn đề: Một là liệu Chủ tịch Tập, Tổng thống Putin và Tổng thống Moon có thể đứng về cùng phe để ngăn cản ông Trump sử dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên hay không; và Hai là liệu Mỹ và Triều Tiên có tiến hành bất kỳ trao đổi chính thức nào không.