Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ quyết đọ ảnh hưởng với Trung Quốc bằng chương trình 60 tỷ USD

Chính quyền Mỹ đang thu hút đồng minh bằng chính cách mà Trung Quốc đã làm, đưa cảng biển, hệ thống mạng di động và các tài sản chiến lược khác trở lại tầm kiểm soát.

Đối mặt với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Washington đang thực hiện một hướng đi mới. Thay vì chỉ cung cấp các khoản vay hoặc xúc tiến trao đổi thương mại như trước kia, Mỹ đang đầu tư hàng tỷ USD ra nước ngoài nhằm thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia, theo Wall Street Journal.

Vào tháng 1/2018, đích thân Tổng thống Mỹ lúc đó Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, cho phép thành lập Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC). Đây là một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, chuyên cung cấp tài chính cho các dự án phát triển tư nhân ở các quốc gia mới nổi hoặc đang phát triển.

Chính quyền Trump đã nhanh chóng sử dụng DFC nhằm đàm phán mua một nhà máy đóng tàu của Hy Lạp. Thậm chí, DFC còn cung cấp các khoản vay cho Ethiopia, ngăn nước này sử dụng hệ thống 5G của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei.

Chinh sach dau tu cua My anh 1

Ethiopia ký hợp đồng viễn thông với tập đoàn Vodafone vào tháng 6. Ảnh: AFP.

"Át chủ bài" của nước Mỹ

Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Coons nhận thức rõ tiềm năng của quyền lực mềm mà Trung Quốc đang sử dụng. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia châu Phi đã thuyết phục ông đưa ra các giải pháp nhằm đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Ý kiến của ông giành được sự ủng hộ của cả hai đảng. Đảng Dân chủ muốn tăng cường các chương trình hỗ trợ nước ngoài, còn đảng Cộng hòa nhìn thấy cơ hội trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh.

DFC là cơ quan mới nhất tiếp bước các chương trình hỗ trợ nước ngoài của Mỹ. Các chương trình được triển khai nhằm tăng cường quan hệ với đồng minh và mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ. Kế hoạch Marshall đã giúp tái thiết châu Âu và Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) cung cấp hỗ trợ kinh tế cho các nước đang phát triển.

DFC là kết quả của một nỗ lực lưỡng đảng hiếm có. Chương trình này được cả Quốc hội Mỹ, chính quyền Trump và Biden ủng hộ. Để đối phó với chính sách ngoại giao vaccine và các nỗ lực khác của Bắc Kinh, chính quyền Biden muốn đi xa hơn nữa và sử dụng triệt để DFC.

Vào tháng 6, nhóm G7 đã công bố sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”. Các nhà lãnh đạo hứa hẹn sẽ cung cấp hàng trăm tỷ USD cho các dự án ở những quốc gia khó khăn hơn. Sáng kiến này được hy vọng có thể đối đầu với các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Chinh sach dau tu cua My anh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo nhóm G7 tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vào tháng 6. Ảnh: AFP.

Chính quyền Biden coi DFC là một trong những công cụ hỗ trợ nước ngoài mạnh mẽ nhất vì vốn đầu tư lớn và tính linh hoạt. Nhà Trắng đang tập trung DFC vào 4 lĩnh vực, bao gồm y tế, công nghệ, biến đổi khí hậu và bình đẳng giới.

Các quan chức Mỹ nhận định rằng DFC là công cụ hữu dụng để thực hiện sáng kiến của nhóm G7. Tổng số vốn đầu tư lên đến 60 tỷ USD của DFC đã vượt qua nguồn lực của 6 quốc gia còn lại.

“Chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn trong năm nay. Số tiền được cung cấp cho các dự án sẽ cao chưa từng có. Điều này phản ánh tầm nhìn của Tổng thống Biden”, giám đốc điều hành DFC David Marchick cho biết.

Các nhà lãnh đạo Mỹ cho biết các khoản vay tài chính của DFC sẽ có ít ràng buộc và lãi suất thấp hơn so với phía Bắc Kinh. Ngoài ra, DFC được sử dụng với mục đích thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân và dành cho tất cả các công ty trên toàn thế giới.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Daleep Singh cho biết mục đích của DFC và nhóm G7 là cung cấp cho đối tác một khoản vay tốt hơn với các điều khoản rõ ràng, không bóc lột và không ép buộc.

Thử nghiệm ban đầu

Một trong những dự án đầu tiên của DFC được công bố vào cuối năm 2019. Một công ty có trụ sở tại Nevada được vay tới 190 triệu USD nhằm xây dựng tuyến cáp quang biển dài nhất thế giới, nối Mỹ, Singapore, Indonesia và Palau. Tuyến cáp biển được hy vọng có thể thay thế hệ thống cáp quang do Huawei xây dựng.

Adam Boehler, cựu giám đốc điều hành của DFC, cho biết việc tiếp cận lãnh đạo của các quốc gia đang phát triển là rất dễ dàng.

“Các quốc gia vui mừng hơn khi được gặp người đứng đầu DFC”, ông nói.

Tiềm năng của DFC nhanh chóng được thể hiện tại Hy Lạp. Năm 2016, công ty vận tải biển Cosco của Trung Quốc đã mua 51% cổ phần cảng biển Piraeus với giá trị hơn 310 triệu USD. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi khoản đầu tư này là “đầu rồng” của sáng kiến Vành đai và Con đường ở châu Âu.

Tuy nhiên, người Hy Lạp ngày càng thất vọng với thỏa thuận của phía Trung Quốc. Bắc Kinh gây áp lực chính trị lên các quan chức Hy Lạp, yêu cầu họ ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp quốc tế.

Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp Geoffrey Pyatt nhanh chóng nhìn thấy tiềm năng của DFC, đặc biệt là có thể mua lại nhà máy đóng tàu Elefsina, gần cảng Piraeus. Các quan chức Hy Lạp cũng muốn một nhà đầu tư Mỹ hơn là Trung Quốc.

Chinh sach dau tu cua My anh 3

Nhà máy đóng tàu Elefsina của Hy Lạp được thành lập năm 1968 hiện phần lớn không hoạt động. Ảnh: Wall Street Journal.

Ngay sau khi DFC bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2019, đại sứ Pyatt đã thuyết phục Quốc hội Mỹ đưa Hy Lạp vào danh sách đầu tư của DFC. Ban đầu, Hy Lạp được đánh giá là quá giàu để nhận hỗ trợ của DFC.

Ông Pyatt đã liên hệ với giám đốc DFC Boehler, các quan chức Hy Lạp và tập đoàn Onex.

Giám đốc điều hành Onex Panos Xenokostas cho biết ông đánh giá cao sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ. Các khoản trợ cấp của Bắc Kinh khiến các công ty Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh khó nhằn.

“Nguồn tài trợ cho các công ty đóng tàu Trung Quốc là rất lớn”, ông nói.

Onex đã ký một thỏa thuận tạm thời với các cổ đông vào năm 2020 để mua và hiện đại hóa xưởng đóng tàu. Tập đoàn cam kết sẽ chi hơn 300 triệu USD trong vòng 10 năm nhằm trang trải các khoản đầu tư và trả nợ. Tuy nhiên, các quan chức DFC cho biết thỏa thuận vẫn chưa hoàn thành do những lo ngại về tài chính.

Một thỏa thuận khác đạt được với Ethiopia cũng khẳng định tiềm năng của DFC. Quốc gia Đông Phi này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống lại các nhóm khủng bố của Mỹ.

Kể từ năm 2006 đến năm 2013, tập đoàn Huawei và ZTE đã cho Ethiopia vay 3,1 tỷ USD để triển khai các dự án viễn thông. Đổi lại, quốc gia này phải sử dụng các thiết bị do hai tập đoàn này sản xuất.

Vào năm 2019, tập đoàn Vodafone của Anh đã chiến thắng một cuộc đấu thầu viễn thông sau khi DFC đồng ý trợ cấp khoản vay 500 triệu USD lãi suất thấp. Phía Mỹ chỉ đề nghị không sử dụng thiết bị đến từ Trung Quốc.

Vodafone không có nghĩa vụ phải tuân theo thỏa thuận và không rõ liệu Mỹ có muốn thực hiện khoản vay. Thời gian gần đây, chính quyền Mỹ đang chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Ethiopia vì không cho phép cứu trợ nhân đạo tại Tigray.

Một phát ngôn viên của DFC cho biết cơ quan này đang theo dõi tình hình tại Tigray và “sẽ xem xét tác động của nó đối với bất kỳ khoản vay nào của tập đoàn Vodafone”.

Thượng nghị sĩ Coons không ngạc nhiên khi DFC phải đối mặt với những thách thức. “Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển luôn có rủi ro”, ông nói.

Tổng thống Biden lần đầu gặp Thủ tướng Merkel tại Nhà Trắng

Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 15/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về quan hệ của phương Tây với Nga và dự án Dòng chảy phương Bắc.

Bà Pelosi từng lo ông Trump kích hoạt vũ khí hạt nhân

Theo một cuốn sách sắp xuất bản, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từng lo ngại cựu Tổng thống Donald Trump kích hoạt vũ khí hạt nhân khi sắp mãn nhiệm.

Tuấn Đạt

Bạn có thể quan tâm