"Chúng tôi hy vọng những quyền phủ quyết này không phản ánh mối quan hệ đối tác (không giới hạn) đó", nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ Jeffrey DeLaurentis phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra vào ngày 8/6, với sự tham gia của 193 thành viên.
Trước đó, vào ngày 26/5, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa mới, theo Reuters.
"Những lời giải thích của họ về việc thực hiện quyền phủ quyết là không đủ, không đáng tin cậy và không thuyết phục. Hành động phủ quyết này không nhằm đảm bảo an ninh và an toàn tập thể cho chúng ta", ông DeLaurentis phát biểu trong cuộc họp sau đại diện của Trung Quốc và Nga.
Hai quốc gia này đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác "không có giới hạn" vào tháng 2, gần 3 tuần trước khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”.
Sự phủ quyết của họ đối với vấn đề Triều Tiên lần đầu công khai chia rẽ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kể từ khi tổ chức này bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song phát biểu trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 8/6. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc họp hôm 8/6, nhà ngoại giao Trung Quốc Wu Jianjian cho biết nước này bác bỏ "những bình luận vô căn cứ và cáo buộc chống lại quan điểm bỏ phiếu của Trung Quốc".
"Cuộc bỏ phiếu của Trung Quốc chống lại dự thảo do Mỹ đề xuất là hoàn toàn hợp lý và chính đáng", ông Wu nói. "Tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ chỉ khiến khả năng đạt được giải pháp chính trị càng trở nên xa vời hơn".
Phái bộ của Nga tại Liên Hợp Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về nhận xét của Mỹ.