Mặc dù Đan Đông (Trung Quốc) đã áp đặt lệnh phong tỏa từ cuối tháng 4, số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại thành phố có 2,19 triệu dân này vẫn có xu hướng gia tăng.
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh địa phương, hầu hết đối tượng được phát hiện nhiễm bệnh trong tuần qua đã không ra khỏi khu nhà của họ ít nhất 4 ngày trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính.
Việc không thể tìm ra nguyên nhân lây nhiễm khiến một số nhà chức trách tại thành phố Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên đặt ra giả thuyết mới. Họ nghi ngờ virus đã xâm nhập vào thành phố thông qua những cơn gió thổi từ nước láng giềng, theo Bloomberg.
Nhân viên khử trùng mặc đồ bảo hộ tại khu dân cư trong thời gian phong tỏa ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Giả thuyết mới
Trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều nơi khác tại Trung Quốc, bao gồm cả ở các khu vực phía bắc, nhà chức trách địa phương cho biết họ không thể xác định chuỗi lây nhiễm có liên quan.
Thay vào đó, mối nghi ngờ của họ đổ dồn vào những cơn gió đến từ Triều Tiên. Vừa qua, các nhà chức trách đã kêu gọi người dân sống cạnh sông Áp Lục - con sông chảy giữa hai quốc gia - đóng cửa sổ vào những ngày có gió đông nam, theo một thông báo của chính phủ.
Một người dân Đan Đông cho biết họ cũng đang được yêu cầu xét nghiệm thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, không có bất cứ bằng chứng khoa học rõ ràng nào ủng hộ lý thuyết này. Nghiên cứu cho thấy các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp trong không khí khó có thể xảy ra với khoảng cách xa, đặc biệt là ở môi trường ngoài trời, mà không tiếp xúc nhiều lần.
Và không phải tất cả người dân ở Trung Quốc đều bị thuyết phục bởi lý thuyết này như một số nhà chức trách địa phương. Nhiều người dùng mạng xã hội đã tỏ vẻ chế giễu bằng cách bỡn cợt rằng virus corona có thể tự di chuyển hàng trăm mét trong không khí.
Tuy nhiên, một số người dân nghi ngờ giới chức cũng đang xem xét khả năng virus lây truyền qua đường hàng không từ Triều Tiên. Kể từ cuối tháng 4, Bình Nhưỡng đã trải qua cuộc khủng hoảng toàn diện với số ca nghi mắc lên đến 4 triệu người, theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA.
Người dân đi bộ bên dưới cây cầu Hữu nghị bắc qua sông Áp Lục giữa Trung Quốc và Triều Tiên, ở Đan Đông. Ảnh: AFP. |
Khi được yêu cầu bình luận qua điện thoại, đại diện của cơ quan y tế Đan Đông và Liêu Ninh cho biết họ không có thông tin chi tiết gì về việc virus lây lan qua không khí.
Triều Tiên và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 1.300 km, với một số khu vực bị ngăn cách bởi sông Áp Lục, rộng chưa đầy một km ở một số nơi tại thành phố Đan Đông.
Thành phố là đầu mối giao thương chính giữa hai nước. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khoảng 70% thương mại quốc tế của Triều Tiên đi qua Đan Đông. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến vận tải đường sắt giữa Đan Đông và thành phố Sinuiju lân cận ở Triều Tiên đã bị tạm dừng vì đại dịch.
Lời khuyên đóng cửa sổ "có thể có hại"
Ben Cowling, chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong, cho biết giả thuyết các bệnh nhiễm trùng lây lan qua một khoảng cách xa do gió thổi là không có khả năng.
Ông nói thêm virus tồn tại kém dưới ánh sáng Mặt Trời và trong môi trường ngoài trời.
Trong khi đó, Peter Collignon, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết nhiều khả năng việc đi lại của người dân, qua biên giới hoặc trong thành phố, đang gây ra sự lây lan.
Việc Đan Đông bị phong tỏa hơn một tháng không có nghĩa là không có bất cứ sự tương tác nào giữa người với người, ông nói và lấy ví dụ lực lượng lao động thiết yếu vẫn ra ngoài mỗi ngày.
Lời khuyên đóng cửa sổ "có thể có hại, tốt hơn hết là bạn nên có không khí trong lành và thoáng đãng", ông cho biết thêm. “Nếu lý thuyết đó được phổ biến, nó sẽ khiến mọi người ở trong phòng kín nhiều hơn, nơi họ có nhiều khả năng bị lây nhiễm bệnh từ người khác hơn”.
Đợt bùng phát mới đã cho thấy những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt khi theo đuổi mục tiêu “Không Covid" (Zero Covid-19), trong bối cảnh virus ngày càng dễ lây lan hơn và việc truy vết trở nên khó khăn.
Các thị trấn biên giới của Trung Quốc đã phải sống chung với một số biện pháp hạn chế khắc nghiệt nhất trong đại dịch khi virus corona liên tục xâm nhập vào.
Người dân xếp hàng xét nghiệm ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 5. Ảnh: Reuters. |
Ruili, một thành phố biên giới Trung Quốc giáp Myanmar, đã bị phong tỏa liên tục trong hơn 160 ngày, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.
Một làn sóng dịch mới cũng đang trỗi dậy ở khu tự trị Nội Mông, tập trung tại thành phố Erenhot, nằm giữa sa mạc Gobi và giáp biên giới với Mông Cổ.
Với dân số 74.179 người, thành phố đã bị phong tỏa trong tuần qua. Hầu hết hoạt động kinh doanh trong thành phố - trừ siêu thị, hiệu thuốc và trung tâm y tế - được yêu cầu ngừng hoạt động.
Cuối tuần qua, các nhà chức trách đã bắt đầu triển khai chiến dịch “gõ cửa", nhằm sàng lọc từng hộ gia đình và đăng ký thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch.
Hôm 7/6, khu vực Nội Mông đã báo cáo 81 trong số 124 trường hợp mắc Covid-19 trong ngày tại Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, người dân Bắc Kinh đã được phép ăn uống trở lại tại nhà hàng, cũng như vui chơi tại công viên và các địa điểm giải trí. Ngày 7/6, giới chức thành phố chỉ ghi nhận 8 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Cùng ngày, Thượng Hải ghi nhận 15 ca mắc mới. Tuy nhiên, tâm trạng giải tỏa sau khi thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào tuần trước đã bị hạn chế phần nào bởi sự gia tăng ca mắc ngoài khu vực cách ly.