Trung tướng Jeffrey Harrigian, Tư lệnh chỉ huy trung ương của Không quân Mỹ, nói với các phóng viên rằng 12 máy bay đã được điều động để ném bom các cơ sở, cũng chính là nơi được sử dụng như cơ quan đầu não của IS, tại 50 điểm khác nhau.
Harrigian cho biết các cuộc tấn công vào các cơ sở hóa học của IS đã diễn ra ngày 13/9 ở vùng lân cận của Móul, thành phố ở miền bắc Iraq. Các chiến đấu cơ tham gia bao gồm F-15, A-10, F-18, F-16 và B-52.
"Chúng tôi không biết chắc chắn vào thời điểm này nhà máy đó có những loại hóa chất nào", Trung tướng Harrigian phát biểu tại một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc.
12 chiến đấu cơ đã ném bom các cơ sở của quân khủng bố, cũng chính là nơi được sử dụng như cơ quan đầu não của IS, tại 50 điểm khác nhau. Ảnh: CNN |
Cuộc điều tra kéo dài một năm của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học bắt đầu từ tháng 8/2015 cho biết chính phủ Syria, đặc biệt là lực lượng không quân, đã sử dụng khí clo ít nhất hai lần kể từ năm 2013. Nó cũng chỉ ra rằng Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã sử dụng khí mù tạt cho các cuộc tấn công.
Vào thời điểm đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Ned Price cho biết Mỹ lãnh đạo liên minh chống IS và đặt "ưu tiên cao cho mục tiêu" tấn công các nhà máy vũ khí hóa học của nhóm khủng bố này.
Máy bay AC-130 của lực lượng không quân Mỹ. Ảnh: Business Insider |
Việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria rất thu hút sự quan tâm của quốc tế, đồng thời cũng là những vấn đề nhức nhối dưới thời chính quyền Obama.
Trong năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học đã làm thay đổi tính toán của ông về sự can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria.
Các nước Trung Đông, đồng minh châu Âu, đối thủ chính trị và thậm chí là cả đảng Dân chủ đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định không tham gia hành động của ông Obama sau vụ tấn công bằng khí sarin ở một vùng ngoại ô Damascus tháng 8/2013.
Thay vào đó, Mỹ theo đuổi một thỏa thuận năm 2013 với Nga, cho phép Syria được giữ clo với mục đích phi quân sự. Kể từ khi vũ khí sử dụng khí clo được coi là vũ khí hóa học, Syria đã vi phạm một loạt nghị quyết của Liên Hợp Quốc và thỏa thuận Mỹ - Nga.