Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nhấn mạnh Washington muốn chính thức hóa quan hệ quốc phòng trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng 3 nước Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tiến gần hơn đến mô hình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo South China Morning Post.
Trả lời báo chí, ông Biegun nói mục tiêu của chính phủ Mỹ là tập hợp cùng các nước trong khu vực ngăn chặn "thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc".
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun. Ảnh: AFP. |
Washington kỳ vọng tạo ra lực lượng then chốt "cùng chia sẻ các giá trị và lợi ích có thể thu hút được thêm nhiều nước khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới liên kết một cách có tổ chức".
"Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thật ra đang thiếu những cấu trúc đa phương vững mạnh", ông nói.
"Họ không có bất kỳ điều gì đủ sự vững chắc như NATO hay Liên minh Châu Âu (EU). Theo tôi, các thể chế mạnh nhất ở châu Á thông thường không đủ tính bao trùm. Do đó, cũng sẽ đến lúc cần chính thức hóa một cấu trúc như vậy", ông Biegun nhấn mạnh.
"Cần nhớ rằng ngay cả NATO cũng khởi đầu khá khiêm tốn và một số nước ban đầu chọn trung lập không làm thành viên NATO", quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý.
Ông Biegun lưu ý Washington sẽ "kiểm soát" tham vọng về mô hình NATO Thái Bình Dương. Ông khẳng định một liên minh chính thức chỉ có thể hình thành "chỉ khi những nước khác cam kết mạnh mẽ như Mỹ".
Trao đổi với cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verman trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ - Ấn, ông Biegun nói mô hình "Bộ tứ Kim cương" của 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia dự kiến họp tại New Delhi vào mùa thu này.
Theo ông, việc Australia có khả năng tham gia tập trận Malabar của Ấn Độ là tín hiệu nhóm đang tiến gần hơn đến hình thành khối phòng thủ chính thức.
Ông Biegun nói Ấn Độ đã thể hiện rõ ý định mời Australia tham dự tập trận Malabar. Đây là "bước tiến rất lớn trong đảm bảo tự do đi lại và an ninh ở các vùng biển trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Cuộc tập trận thường niên của Mỹ và Ấn Độ đã có thêm Nhật Bản tham gia từ năm 2015. Phần lớn hoạt động diễn ra trong khu vực Vịnh Bengal. Australia mới một lần tham gia Malabar vào năm 2007 nhưng vấp phải phản ứng từ Bắc Kinh.
Theo báo cáo tháng 7 của Viện Lowy, cuộc đụng độ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc trên dãy Himalaya vào tháng 6 đã khiến New Delhi thay đổi thái độ và muốn mời Australia trở lại Malabar. Cuộc tập trận năm nay đã có Mỹ và Nhật Bản xác nhận tham dự nhưng phải trì hoãn vì đại dịch Covid-19.