ABC News cho biết chính phủ Australia đã nhiều lần ngỏ ý muốn tham gia tập trận Malabar, nhưng bị Ấn Độ từ chối. Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ gần đây cho biết chính quyền Thủ tướng Narendra Modi dường như đã đổi ý và cho phép Australia tham gia.
Nguồn tin trong chính phủ Australia cho biết Ấn Độ thay đổi quan điểm và “có những dấu hiệu tích cực”, một lời mời sẽ sớm được đưa ra.
Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và người đồng cấp Ấn Độ bắt tay trong cuộc hội đàm gần đây. Ảnh: ABC News. |
Kể từ năm 2017, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã tăng cường hợp tác thông qua đối thoại an ninh “Quad” (Bộ Tứ), nhưng việc mở rộng cuộc tập trận Malabar với sự tham gia của 4 nước sẽ tạo cho nhóm một lợi thế quân sự mạnh mẽ hơn.
Đây cũng sẽ là chiến thắng về mặt ngoại giao của Australia. Mỹ và Nhật Bản đều hoan nghênh sự tham gia của Australia vào tập trận. Bộ Quốc phòng Australia cho biết họ chưa nhận được thư mời, nhưng nhấn mạnh lợi ích của việc này.
Thời điểm căng thẳng
New Delhi từ lâu bày tỏ sự nghi ngờ về những cam kết quốc phòng của Australia, đặc biệt là sau khi chính quyền cựu Thủ tướng Kevin Rudd rút khỏi Quad vào năm 2008.
Mặt khác, New Delhi tỏ ra thận trọng đối với thái độ của Bắc Kinh, khi Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Quad và cáo buộc Mỹ âm mưu hình thành liên minh chống Trung Quốc.
Các quan chức Australia nhiều lần khẳng định Quad không nhằm mục đích kiềm chế Bắc Kinh mà nhằm mục đích xây dựng mô hình hợp tác và chuẩn mực hành vi trong khu vực.
Tuy vậy, Abhijnan Rej, nhà phân tích quốc phòng ở New Delhi, nói tập trận Malabar không thể thiếu sự tham gia của Australia.
Quyết định được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với Australia. Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang xấu đi. Canberra ngày càng lo lắng với những cam kết an ninh của Washington ở châu Á và đang nỗ lực làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản.
Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Độ, Nhật Bản đã có các cuộc hội đàm trong những tuần gần đây. New Delhi và Canberra cũng đã ký thỏa thuận quốc phòng song phương cho phép hỗ trợ hậu cần lẫn nhau.
DK Sharma, cựu phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ, cho biết sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc thúc đẩy Ấn Độ và Australia xích lại gần nhau hơn.
Một số nhà phân tích cho rằng sự tham gia của Australia vào tập trận Malabar sẽ diễn ra theo từng bước thận trọng. Australia có thể lần đầu tham gia với tư cách quan sát viên. Đại dịch Covid-19 có thể khiến tập trận Malabar năm nay bị hoãn đến năm sau.
Nỗi lo Trung Quốc thúc đẩy?
Ấn Độ là quốc gia có ngân sách quốc phòng đứng thứ ba thế giới. Họ là lực lượng quân sự thống trị Ấn Độ Dương, nhưng khả năng ảnh hưởng đến Thái Bình Dương rất hạn chế, nhà phân tích Rej nhận xét.
Tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh ngày càng cứng rắn hơn với New Delhi. Tháng trước, vụ ẩu đã giữa binh sĩ hai nước trên khu vực tranh chấp khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc không tiết lộ thương vong.
Tàu chiến Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản trong tập trận Malabar. Ảnh: ABC News. |
“Chiến lược ngoại giao của Ấn Độ là hạn chế liên minh, liên kết, nhưng mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc buộc New Delhi phải thay đổi”, Jeff Smith, nhà phân tích tại Quỹ Di sản cho biết.
“Ấn Độ đã tạo ra sự liên kết chiến lược với Mỹ gồm nhiều thỏa thuận và tầm nhìn chung cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. New Delhi cũng mua nhiều vũ khí Mỹ hơn và ngày càng có nhiều cuộc tập trận tinh vi quy mô lớn”, ông Smith nói.
Giáo sư Ian Hall, Viện Griffith châu Á, cho biết sự lo lắng của Ấn Độ về hành vi của Trung Quốc đã thúc đẩy các hợp tác trong thập kỷ qua. New Delhi cũng tỏ ra lo lắng về hoạt động ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
“Điều này đã dẫn đến các cuộc thảo luận về hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực, bao gồm Australia để đảm bảo tự do hàng hải, bảo vệ các tuyến đường biển và nếu cần thiết, nó sẽ hạn chế khả năng của hải quân Trung Quốc trong một cuộc khủng hoảng”, giáo sư Hall nói.