Hồi tuần trước, một cuộc đụng độ đẫm máu tại biên giới Trung-Ấn đã khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng. Con số thương vong có thể cao hơn vì Bắc Kinh từ chối cung cấp thông tin về số thương vong.
Vụ việc nghiêm trọng tại thung lũng Galwan thuộc dãy Himalaya cảnh báo căng thẳng gia tăng trong tranh chấp biên giới Trung-Ấn, theo Wall Street Journal.
Đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán và được vũ trang kỹ càng, Ấn Độ có thể sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự với Mỹ. Ảnh: Wall Street Journal. |
Giới chuyên gia nhận định Ấn Độ đang tìm cách “vượt mặt” Trung Quốc thông qua hợp tác với Mỹ để gia tăng sức mạnh quân sự, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực với nhiều quốc gia châu Á.
Ông Manoj Joshi, chuyên gia cấp cao thuộc viện chiến lược Observer Research Foundation, cho biết: “Ấn Độ sẽ tiến hành nhiều nỗ lực đối ngoại với các nước có chung tư tưởng như Mỹ, Anh, Australia hay Nhật Bản”.
Trong thời gian gần đây, Ấn Độ liên tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các thành viên còn lại trong nhóm Đối thoại An ninh Bốn bên hay còn gọi là Bộ tứ, bao gồm Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Cụ thể, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ từng tham gia nhiều cuộc diễn tập hàng hải chung trên vùng biển Ấn Độ Dương. Trong tháng này, Ấn Độ và Australia đạt được thoả thuận quốc phòng mang tính đột phá, giúp tăng cường khả năng tương tác quân sự giữa hai bên.
Ấn Độ cũng ký kết được nhiều hiệp định quan trọng với quân đội Mỹ, tăng cường việc mua bán trang thiết bị quân sự. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang là nhà thầu tiềm năng cho dự án xây dựng hạm đội phi cơ của Ấn Độ.
Ấn Độ đang chứng kiến sự phẫn nộ của dư luận và làn sóng biểu tình chống Trung Quốc. Ảnh: The Wall Street Journal. |
Trong khi đó, Trung Quốc từng nhiều lần cảnh báo Ấn Độ và các quốc gia khác không được tham gia vào các hoạt động kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh.
Nhiều chuyên gia cho rằng thái độ quyết đoán của nước này tại dãy Himalaya là lời cảnh báo với Ấn Độ, gián tiếp ngăn chặn New Delhi tham gia các nỗ lực ngoại giao hay quân sự này.
Sau vụ đụng độ chết người hồi tuần trước, Ấn Độ đang chứng kiến sự phẫn nộ của dư luận và làn sóng biểu tình chống Trung Quốc.
“Mối quan hệ Trung-Ấn đang ở trong giai đoạn nhạy cảm. Nếu Trung Quốc không hành động đúng đắn, căng thẳng còn tiếp tục gia tăng”, Ashok Kantha, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, nhận định.