Phát biểu trong một cuộc giao lưu tại Học viện Quốc phòng Australia, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Australia đang đối mặt với tình hình quốc tế khó khăn nhất kể từ sau Thế chiến II, CNN đưa tin hôm 1/7.
“Chúng ta cần chuẩn bị cho một thế giới hậu Covid-19 nghèo hơn, mất trật tự và nguy hiểm hơn”, Thủ tướng Morrison nói. Để giải quyết những thách thức an ninh đối với đất nước, chính phủ của Thủ tướng Morrison sẽ chi 186 tỷ USD cho quân đội trong 10 năm tới và sẽ mua tên lửa tầm xa để tăng cường phòng thủ.
Dù Thủ tướng Morrison không liên kết trực tiếp việc tăng ngân sách quốc phòng với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, nhưng ông đã nêu một số khu vực nơi mà Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, biển Hoa Đông và biên giới với Ấn Độ.
Thủ tướng Australia cho biết thêm nguy cơ tính toán sai lầm và thậm chí là xung đột đang gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trọng tâm của cuộc cạnh tranh sức mạnh toàn cầu.
Thủ tướng Morrison nhấn mạnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng tốc trong những năm gần đây và mối quan hệ giữa họ giờ đây đã “rạn nứt”. Đại dịch Covid-19 đã làm tồi tệ thêm những rạn nứt này và đặt trật tự an ninh toàn cầu vào điểm bất ổn nhất trong nhiều thập kỷ.
Mua tên lửa tầm xa
Ngân sách quốc phòng mới chiếm khoảng 2% GDP sẽ thay thế cho chiến lược chi tiêu quốc phòng kéo dài một thập kỷ trước ở mức 134 tỷ USD. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh việc tăng ngân sách quốc phòng sẽ tập trung vào mua sắm tên lửa tầm xa và các khả năng khác để ngăn chặn cuộc xung đột trong tương lai.
Australia sẽ mua 200 tên lửa chống hạm tầm xa phóng từ máy bay. Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ. |
Australia sẽ mua 200 tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C phóng từ máy bay có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 370 km. Bộ Quốc phòng Australia sẽ đầu tư nghiên cứu, phát triển hệ thống vũ khí siêu vượt thanh có thể tấn công mục tiêu ở cự ly hàng nghìn km.
Trong ngân sách quốc phòng mới, chính phủ sẽ dành khoảng 1 tỷ USD để xây dựng năng lực tác chiến không gian mạng, mà Thủ tướng Morrison nhắc lại nhiều lần việc biết mối đe dọa đến từ đâu.
Chính phủ Australia sẽ xem xét mạng lưới vệ tinh do nước này điều hành để giảm sự phụ thuộc vào mạng lưới vệ tinh của Mỹ. Mở rộng năng lực của mạng lưới radar trinh sát để giám sát khu vực phía đông Australia.
Mua sắm các tàu chiến, máy bay hiện đại cho hải quân và không quân, cải thiện năng lực hậu cần và khả năng lưu trữ nhiên liệu.
Tự lực cánh sinh
Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh Quốc gia (NSC), Đại học quốc gia Australia, cho biết chiến lược mới đang chuẩn bị cho một tương lai khu vực bị chi phối bởi Trung Quốc hung hăng hơn.
Hải quân Australia sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Getty. |
Trong tháng 6, chính phủ Australia đã ký 2 hiệp định quân sự song phương với Ấn Độ, bước đầu tiên để làm sâu sắc hơn mối quan hệ quốc phòng giữa hai cường quốc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khi Trung Quốc có cách tiếp cận ngày càng hung hăng hơn trong khu vực.
Trước đó, năm 2018 xuất hiện tin đồn Bắc Kinh đang thảo luận với quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương để xây dựng một căn cứ quân sự ở đó. Kế hoạch này được cho là tiếp tục phát triển và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với khu vực gia tăng trong đại dịch Covid-19.
Phe đối lập hoan nghênh việc tăng ngân sách quốc phòng mà từ lâu họ đã kêu gọi chính phủ tập trung vào quân sự nhiều hơn. Các nhà phân tích nói rằng sự thay đổi cho thấy Australia đang cố gắng trở nên mạnh mẽ hơn trong khu vực dựa trên các nguồn lực của chính họ.
“Có một sự nhấn mạnh ngầm trong bài phát biểu của Thủ tướng Morrison khi nhận ra sự trỗi dậy của Trung Quốc và Mỹ có thể không giúp được nhiều như những năm trước đây”, Sam Roggeveen, nhà phân tích tại Viện Lowy có trụ sở tại Sydney nói với BBC.
Tuy vậy, bản thân ông Roggeveen lo lắng việc mua tên lửa tầm xa có thể làm mất ổn định các mối quan hệ trong khu vực, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng như Indonesia.