Ngày 21/7, hải quân Mỹ thông báo đang tập trận ba bên tại Biển Philippines với sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) và hải quân Australia.
Phía Mỹ có các tàu chiến gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường USS Antietam và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin.
Australia điều động lực lượng hùng hậu tham gia gồm khinh hạm HMAS Stuart và HMAS Arunta, tàu khu trục HMAS Hobart, tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra và tàu hậu cần HMAS Sirius. Nhật Bản cũng gửi tàu khu trục JDS Teruziki đến phối hợp.
Theo thông báo của hải quân Mỹ, cuộc diễn tập bắt đầu từ ngày 19/7, một ngày trước khi cuộc tập trận chung Mỹ - Ấn khởi động trên Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận hải quân gần eo biển chiến lược Malacca dẫn đầu bởi tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz của Mỹ. Hai cuộc tập trận hải quân quy mô lớn diễn ra đồng loạt tại hai cửa ngõ của Biển Đông.
Quyết liệt hơn với Trung Quốc
Đối thoại An ninh Bốn bên giữa các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia diễn ra không chính thức và ngắt quãng từ năm 2007. Mô hình này còn được giới quan sát gọi là "Bộ tứ Kim cương" tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một số quốc gia trong nhóm trong thời gian qua vẫn cẩn trọng không xây dựng hình ảnh một liên minh quân sự hoặc tổ chức tiền đề cho "NATO tại châu Á".
Năm 2007, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về mô hình đối thoại an ninh này. Australia tìm cách xoa dịu khi tuyên bố mong muốn "Bộ tứ" tập trung vào thương mại và văn hóa. Cũng trong năm đó, Ấn Độ nhấn mạnh "Bộ tứ" không có hàm ý an ninh.
Tuy nhiên, việc tổ chức hai cuộc tập trận cùng thời điểm với đầy đủ 4 thành viên của "Bộ tứ" khiến giới quan sát dự đoán nhóm không còn e dè phản ứng của Trung Quốc.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Dù vậy, ý nghĩa hai cuộc diễn song song ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới dừng lại ở mức độ biểu tượng. Phép thử thực sự là liệu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có mời Australia tham dự cuộc tập trận thường niên Malabar hay không.
Australia đã được mời tham gia Malabar vào năm 2007 nhưng với tư cách thành viên không thường trực. Năm 2018, Ấn Độ không đồng ý cho lực lượng vũ trang Australia tham dự nhằm tránh tạo hình ảnh "Bộ tứ" là một liên minh quân sự chống Trung Quốc.
Tình thế đã thay đổi nhanh chóng sau vụ đụng độ biên giới Ấn - Trung trên dãy Himalaya vài tuần trước.
"Việc Ấn Độ dường như đã sẵn sàng mời Australia tham gia tập trận hải quân Malabar năm nay, dù mang tính biểu tượng thì Trung Quốc cũng không thể làm ngơ", ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand, nhận định.
Theo Sameer Lalwani, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Stimson ở Washington, nếu Australia được mời tham gia tập trận Malabar, điều này chắc chắn sẽ mang đến một tâm lý lạc quan mới cho quá trình cụ thể hóa định nghĩa quân sự của "Bộ Tứ".
Trong khi đó, Patrick Gerard Buchan, Giám đốc Dự án Các liên minh Mỹ tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nhận định Ấn Độ tuy đã giảm mức thận trọng với mô hình "Bộ tứ" nhưng vẫn "chưa từ bỏ hoàn toàn" chính sách này. Họ có tâm lý cân bằng với Trung Quốc và "không ai muốn thúc đẩy tình thế mong manh".
Cuộc tập trận gần eo biển Malacca, một trong những "yết hầu" trọng yếu của hàng hải quốc tế, đang tập trung tàu sân bay USS Nimitz, tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường USS Princeton, cùng 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Sterett và USS Ralph Johnson. Ấn Độ cử đến 4 tàu chiến tham gia tập trận gồm Rana, Sahyadri, Shivalik và Kamorta.
"Nhiều tàu tên lửa dẫn đường của Mỹ và Ấn Độ được triển khai cùng nhau sẽ dễ bị phát hiện. Điều này cho thấy khả năng có diễn tập phòng không và tác chiến chống ngầm", Lalwani cho biết.
Mối lo ngại ngày càng lớn
"Tập trận hải quân quốc tế đang diễn ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là bằng chứng mới nhất cho thấy Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đang rũ bỏ những rào cản trước kia về hoạt động quân sự đa phương", Patrick Cronin, chuyên gia về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson, nhận định.
Động thái bất ngờ của "Bộ tứ" diễn ra giữa giai đoạn mối quan hệ với Trung Quốc của cả 4 thành viên nhóm đang xấu đi. Trong sách trắng quốc phòng vừa được Australia công bố, với tên gọi "Cập nhật Chiến lược Quốc phòng 2020", chính quyền Canberra đã nhìn nhận Trung Quốc với nhiều hoài nghi hơn 4 năm trước.
"Kể từ năm 2016, những cường quốc lớn đã trở nên quyết liệt hơn trong thúc đẩy các mong muốn chiến lược của họ và tìm cách áp đặt sức ảnh hưởng, trong đó Trung Quốc chủ động theo đuổi sức ảnh hưởng lớn hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", bản báo cáo nhận định.
Tàu sân bay USS Nimitz và đội hình của hải quân Mỹ di chuyển cùng tàu chiến Ấn Độ tại vùng biển thuộc Ấn Độ Dương ngày 20/7. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
"Australia quan ngại trước khả năng có những hành động, cụ thể là thiết lập căn cứ quân sự, có thể làm suy giảm tính ổn định tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khu vực liền kề", sách trắng quốc phòng của Australia nhấn mạnh.
Nhật Bản cũng ra sách trắng quốc phòng năm 2020 nhận định Trung Quốc duy trì "không ngừng nghỉ" các hoạt động đơn phương nhằm thay đổi thực trạng vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - quần đảo tranh chấp nhưng đang do Nhật Bản kiểm soát. Các hành động của Trung Quốc dẫn đến "lo ngại nghiêm trọng".
"Hải quân và không quân Trung Quốc trong những năm gần đây đã mở rộng và tăng cường hoạt động trong các vùng biển và vùng trời của Nhật Bản. Có những trường hợp leo thang đơn phương", báo cáo này nhấn mạnh.
Theo nhận định của Patrick Cronin, từ Himalaya đến khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, quân đội Trung Quốc và lực lượng bán quân sự nước này đang quyết liệt mở rộng phạm vi ảnh hưởng và kiểm soát. Chiến dịch này đang làm mất lòng nhiều bên.
"Với việc Trung Quốc trở nên đáng sợ thì nhiều mà đáng mến thì ít, các nước khác không còn quá kín đáo khi bày tỏ hoài nghi về những ý định có vẻ thiện chí của Bắc Kinh", ông cảnh báo.
Đô đốc Sudarshan Shrikhande, cựu lãnh đạo bộ phận tình báo của hải quân Ấn Độ, còn dự báo mô hình "Bộ tứ" có tiềm năng mở rộng quan hệ đối tác với nhiều nước láng giềng khác.
"Chúng tôi đang nhìn thấy những dấu hiệu, không chỉ đến từ bộ tứ, mà từ nhiều chính phủ khác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rằng sự nhân nhượng dành cho Trung Quốc đã cạn", ông nói "Bộ tứ" có thể giữ vai trò cấu trúc trung tâm cùng với một số thành viên ASEAN và trở thành đối trọng hữu ích trước các tham vọng và bắt nạt từ Trung Quốc.
Theo Shrikhande, để viễn cảnh này trở thành hiện thực, hợp tác trong nhóm cần được mở ra nhiều lĩnh vực.
"Gia tăng triển khai hải quân đến khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương chỉ là một phương diện. Trong khi đó, ngoại giao, kinh tế và các chiến dịch thông tin nhằm gắn kết quan hệ gần gũi hơn vẫn chưa có", Shrikhande chia sẻ.
"Tôi có thể cảm thấy 4 chính phủ đã sẵn sàng chuyển từ nói suông sang hành động", ông nhận định.