Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Gavriil Grigorov/Sputnik/Kremlin pool. |
Theo đó, Tổng thống Nga cho biết hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm này của Nga không phải là phiên bản nâng cấp của các phiên bản trước đó có từ thời Liên Xô, mà nằm trong dòng nghiên cứu phát triển mới nhất và hiện đại nhất. Phát biểu trên được ông Putin đưa ra tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga và đại diện của tổ hợp công nghiệp-quân sự và các nhà thiết kế vũ khí tên lửa của nước này.
Tổng thống Nga nói rõ: "Hệ thống Oreshnik không liên quan đến việc hiện đại hóa các hệ thống cũ của Liên Xô. Hệ thống này là kết quả chính trong công trình nghiên cứu quân sự của Nga, công trình đã được thực hiện trong thời đại Nga, trong điều kiện của nước Nga mới, được tiến hành trên cơ sở những phát triển hiện đại và mới nhất".
Cũng tại buổi họp trên, Tư lệnh lực lượng tên lửa Nga, ông Sergey Karakayev thông báo tên lửa siêu vượt âm mới có tên gọi của nước này có thể tiếp cận các mục tiêu trên toàn bộ châu Âu.
Ông Karakayev cho biết: "Căn cứ nhiệm vụ và phạm vi của vũ khí này, tên lửa Oreshnik có thể tấn công các mục tiêu trên toàn châu Âu, điều này khiến loại tên lửa này khác biệt so với các loại vũ khí tầm xa có độ chính xác cao khác".
Ông nói thêm: "Hệ thống tên lửa siêu vượt âm này có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào - từ mục tiêu biệt lập đến mục tiêu trong một vùng, cũng như mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt - với hiệu suất cao".
Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã tuyên bố rằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik mới nhất của nước này đã bắn trúng tất cả các mục tiêu tại một cơ sở công nghiệp quân sự lớn của Ukraine ở Dnipro bằng đầu đạn MIRV.
Cơ quan này thông báo: "Vào ngày 21/11/2024, để đáp trả việc sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh sản xuất nhằm vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga, lực lượng vũ trang đã tiến hành một cuộc tấn công kết hợp vào một trong những địa điểm công nghiệp quân sự của Ukraine tại Dnepropetrovsk (Dnipro). Lần đầu tiên, tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm Oreshnik với đầu đạn phi hạt nhân được sử dụng trong điều kiện chiến đấu trong cuộc tấn công. Mục tiêu của cuộc tấn công đã đạt được. Tất cả các đầu đạn đều bắn trúng mục tiêu".
Vào ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt Học thuyết Hạt nhân sửa đổi với nguyên tắc cơ bản là việc sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Theo học thuyết trên, sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới đã thúc đẩy Nga xác định rõ thêm các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các quốc gia và liên minh quân sự chịu sự răn đe hạt nhân, cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà sự răn đe đó được thiết kế để đáp trả lại.
Ngoài ra, học thuyết cũng nêu rõ rằng Nga hiện sẽ xem bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung. Moskva cũng có quyền xem xét phản ứng hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền của mình, một vụ phóng máy bay, tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của đối phương trên diện rộng nhắm vào lãnh thổ Nga, việc chúng vượt qua biên giới Nga và một cuộc tấn công vào đồng minh Belarus.