Với tuyên bố từ chức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của một nền kinh tế lớn từ chức giữa đại dịch virus corona, dù lý do từ chức của ông là vì bệnh đại tràng mạn tính.
Chỉ số chứng khoán Nikkei giảm ngay sau đó, phản ánh sự lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra đối với chính trị, an ninh và kinh tế của quốc gia Đông Bắc Á này.
Thủ tướng Abe thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Yokosuka tháng 10/2015. Ảnh: Nikkei. |
Mối nguy cho nền kinh tế
Khi thông tin ông Abe từ chức được truyền đi, khoảng 14h ngày 28/8, mọi nhân viên tại Vụ Hành chính và Pháp chế thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản, nơi xử lý các giao dịch với quốc hội nước này, đều đứng bật dậy.
"Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra", một quan chức cấp cao nói với khuôn mặt nhăn nhó. "Chúng tôi không biết làm gì ngoài việc nín thở và chờ đợi".
Bộ quyền lực nhất Nhật Bản đang làm việc hết công suất để xây dựng dự toán ngân sách năm tài khóa 2021 trước hạn chót là cuối tháng 9. Mọi người đều nghĩ về việc nội các mới và lựa chọn của các quan chức hàng đầu trong đảng cầm quyền sẽ ảnh hưởng đến quá trình này như thế nào.
Nền kinh tế trải qua đại dịch có vẻ ngày càng phụ thuộc vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chi tiêu ngân sách, hai yếu tố đầu tiên trong cái gọi là ba mũi nhọn của Abenomics - chính sách kinh tế mang thương hiệu ông Abe. Mũi nhọn thứ ba - cải cách cấu trúc - đã không phát triển thành trọng tâm như dự kiến.
Sự phục hồi kinh tế kéo dài nửa thập kỷ, bắt đầu từ khi ông Abe lên nắm quyền lần hai, đã kết thúc vào năm 2018. Và trong khi chỉ số Nikkei tăng lên trên 24.000 trong năm nay từ mức 10.230 năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản từ tháng 4 đến tháng 6 đã giảm 27,8% tính theo năm - mức thấp nhất được ghi nhận theo kho dữ liệu từ năm 1955. Chính phủ đang tăng cường chi tiêu.
Cải cách quy định diễn ra chậm chạp, các tập quán lao động truyền thống như việc làm suốt đời vẫn vững chắc, khiến việc điều chuyển nhân tài sang các lĩnh vực hứa hẹn khó khăn hơn. Một xã hội già hóa và tỷ lệ sinh ngày càng giảm tiếp tục ảnh hưởng đến lực lượng lao động.
Văn phòng Nội các ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản vẫn dưới 1%.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe thăm tàu sân bay trực thăng JS Kaga ở Yokosuka tháng 5/2019. Ảnh: Nikkei. |
Tác động địa chính trị
Các nhà phân tích đồng ý rằng "tuổi thọ" của chính quyền Abe đã giúp thủ tướng có ảnh hưởng ở cả trong và ngoài nước. Với vốn liếng chính trị này, ông theo đuổi chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở" và củng cố mối quan hệ với Mỹ bằng cách ban hành luật an ninh quốc gia cho phép phòng vệ tập thể cùng các đồng minh, Izuru Makihara, giáo sư về chính trị và hành chính tại Đại học Tokyo, nhận định.
Việc ông Abe rút lui có thể mang lại những tác động địa chính trị vào thời điểm mà căng thẳng Trung - Mỹ đã tràn từ thương mại sang nhiều lĩnh vực khác. Trung Quốc đã bắn 4 tên lửa đạn đạo vào Biển Đông trong tuần này, một tháng sau khi Mỹ lần đầu tiên tuyên bố bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND Corp, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại California, viết trên Twitter: "Bối cảnh an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể sắp có thay đổi lớn".
Với sự thoái lui của ông Abe, "khu vực sẽ mất đi một người quan trọng thúc đẩy sự cạnh tranh, chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu", ông nói với Nikkei Asian Review.
"Và Nhật Bản sẽ không phải là quốc gia duy nhất có chính sách đối ngoại mới, bất định", ông Grossman nói.
Mối quan hệ thân thiết giữa ông Abe với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã khiến ông trở thành mấu chốt của đối thoại an ninh "Tứ giác", hay "Bộ Tứ". Nhóm cường quốc này ngày càng tỏ thái độ đối đầu với Trung Quốc trong những tháng gần đây, ông Grossman nói.
Patrick Cronin, Chủ tịch chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson ở Washington, cho biết: "Thủ tướng Abe đã là động lực và trí tuệ đằng sau 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở'. Mối quan hệ gần gũi giữa ông với một tổng thống Mỹ theo chủ nghĩa dân túy giải tỏa phần nào nghi ngờ về khả năng lãnh đạo và mức độ đáng tin cậy của Mỹ".
Trong khi ủng hộ chính sách của Mỹ, ông Abe "cũng không ngại kiến tạo vai trò lớn hơn và độc lập hơn cho Nhật Bản", ông Cronin nói. "Và ông ấy cũng đã biết khi nào và làm thế nào để can thiệp và thuyết phục Tổng thống Trump tránh những bước đi sai lầm, dù là về ngoại giao với Triều Tiên, Trung Quốc hay là về yêu cầu hỗ trợ các đối tác trong khu vực".
Máy bay F/A-18F Super Hornet của Mỹ bay tại Atsugi, Nhật Bản. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Chính trường hỗn loạn
Việc người kế nhiệm ông Abe có thể có mối quan hệ như vậy với nhà lãnh đạo Mỹ hay không là một câu hỏi mở.
"Chúng tôi muốn cảm ơn Thủ tướng Abe vì sự lãnh đạo xuất sắc của ông với tư cách thủ tướng phục vụ liên tục lâu nhất của Nhật Bản. Cùng với Tổng thống Trump, Thủ tướng Abe xây dựng liên minh Mỹ - Nhật và quan hệ tổng thể của chúng tôi, trở nên bền chặt nhất từ trước đến nay", một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói với Nikkei Asian Review.
"Tầm nhìn của Thủ tướng Abe về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rất gần với tầm nhìn của tổng thống (Trump) và bằng cách làm việc cùng nhau, hai quốc gia vĩ đại chúng tôi đã nâng cao đáng kể tầm nhìn chung này. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với người kế nhiệm Thủ tướng Abe để củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia và thúc đẩy các mục tiêu chung của chúng tôi", quan chức này nói.
Chuyên gia hàng đầu về an ninh quốc gia Nhật Bản Yuichi Hosoya, giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Keio, cho biết việc ông Abe từ chức chắc chắn sẽ đẩy chính trường Nhật Bản vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa.
"Những người là hạt nhân trong chính phủ, muốn thấy nó tiếp tục đi theo con đường cũ và những người bị bỏ rơi lạnh nhạt có thể sẽ xung đột với nhau, đẩy mạnh cuộc tranh giành quyền lực trong đảng Dân chủ Tự do", ông nói.
Lưu ý rằng các chính phủ lâu năm được yêu thích hơn trong việc nâng cao vị thế quốc tế của Nhật Bản và thực hiện chính sách đối ngoại có lợi cho nước này, ông Hosoya cũng chỉ ra rằng các chính phủ sau đó không tồn tại được lâu.
"Sau thời gian nắm quyền lâu dài của Thủ tướng Yasuhiro Nakasone, người kế nhiệm ông, Noboru Takeshita, không tồn tại được lâu", ông nói. "Sau Junichiro Koizumi, nhiệm kỳ đầu tiên của ông Abe cũng chết yểu".
Từ cuối những năm 1980, Nhật Bản đã bổ nhiệm 8 thủ tướng chỉ trong 9 năm.
"Thủ tướng tiếp theo sẽ có nhiều việc phải làm", Yuri Okina, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết.
"Đại dịch sẽ giúp công việc linh hoạt hơn thông qua kết nối viễn thông và mang đến cơ hội hiếm có để khắc phục tình trạng người, doanh nghiệp tập trung quá mức ở Tokyo", bà nói.