"Tôi không muốn tạo ra khoảng trống lãnh đạo vì bệnh tình của mình nên quyết định từ chức sau khi nhận được chẩn đoán vào đầu tuần này", thủ tướng có thời gian nắm quyền liên tục lâu nhất lịch sử Nhật Bản nói trong họp báo bất ngờ ngày 28/8.
Ông Abe đã phải chiến đấu với chứng viêm đại tràng kinh niên và gần đây, bệnh này tái phát. Quyết định từ chức kết thúc 2.802 ngày liên tiếp giữ chức vụ thủ tướng và giấc mơ vẫn còn dang dở của ông Abe về thay đổi hiến pháp.
Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Bản hiến pháp kỳ lạ
Hiến pháp Nhật được soạn thảo năm 1946 và chính thức có hiệu lực năm 1947. Đây là bản hiến pháp bất thường về nhiều mặt.
Hiến pháp này do nhóm quân nhân Mỹ đang chiếm đóng Nhật soạn thảo. Sau đó, hiến pháp được quốc hội thông qua trong tình trạng vẫn bị chiếm đóng.
Vấn đề nằm ở vài từ đơn giản trong hiến pháp này. Điều 9 viết rằng nhân dân Nhật Bản “cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế” và “lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của Nhật Bản sẽ không được công nhận”.
Theo nhà sử học John Dower, tướng Douglas MacArthur hình thành ý tưởng về chủ nghĩa hòa bình tuyệt đối, đưa tư tưởng đó vào hiến pháp nhưng chưa bao giờ hỏi ý kiến người Nhật. Bảy thập kỷ sau, điều 9 vẫn được giữ nguyên và thậm chí đã định hình cho nhận thức không tập trung vào quân sự mà tập trung vào thành tựu kinh tế của Nhật Bản.
Thủ tướng Shinzo Abe từ lâu mơ về việc sửa đổi hiến pháp. Ông cho rằng các chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có hợp hiến hay không và đã đến lúc phải đưa SDF vào hiến pháp.
Từ sau Thế chiến II, Nhật Bản về cơ bản là quốc gia phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Mỹ vẫn là đối trọng quan trọng với Trung Quốc - quốc gia không phải lúc nào cũng có quan hệ hữu nghị với Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét lại vai trò của Mỹ ở Đông Á, bao gồm cả liên minh quốc phòng Mỹ - Nhật, khiến việc sửa đổi hiến pháp nhằm bình thường hóa cách Nhật Bản sắp xếp lực lượng an ninh cũng là điều hợp lý.
Ông Abe hiểu rằng việc viết lại điều 9 và biến Nhật Bản trở thành “quốc gia bình thường” có quân đội là không thể. Chủ nghĩa hòa bình đã ăn sâu vào suy nghĩ của dân Nhật Bản.
Vì vậy, ông đề xuất thêm khoản mới trong điều 9 nhằm khẳng định vị thế của SDF. Việc thừa nhận sự tồn tại của SDF cũng hợp pháp hóa vai trò hiện tại của lực lượng này.
Ông Abe không đơn độc trong vấn đề sửa đổi hiến pháp. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) do ông Abe đứng đầu từ lâu đã muốn thay đổi bản hiến pháp mà họ cho rằng do bên ngoài áp đặt.
Rào cản từ quốc hội
Đề xuất sửa đổi hiến pháp Nhật Bản không phải điều mới mẻ. Nhiều lãnh đạo khác trước Thủ tướng Abe cũng muốn làm điều này - bao gồm cả ông ngoại của Abe, Thủ tướng Kishi Nobusuke. Nhưng ý tưởng và đề xuất của họ không đi đến đâu. Hiến pháp chưa hề bị sửa đổi kể từ khi có hiệu lực năm 1947.
Điều này một phần là do công chúng Nhật Bản không muốn sửa đổi, và một phần là vì quá trình sửa đổi hiến pháp vô cùng khó khăn.
Đề xuất sửa đổi phải được 2/3 Hạ viện và Thượng viện Nhật Bản thông qua. Sau đó, Nhật Bản phải trưng cầu dân ý trên toàn quốc.
Liên minh cầm quyền của ông Abe chiếm đa số ghế trong Thượng viện nhưng vẫn chưa đạt được 2/3 số phiếu cần thiết để thông qua sửa đổi hiến pháp.
Ông Shinzo Abe mỉm cười trước những bông hồng đỏ có tên các ứng cử viên chiến thắng của LDP khi kiểm phiếu cho cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21/7/2019. Ảnh: AP. |
Con đường đạt 2/3 số phiếu thuận đầy chông gai. Đảng đối lập chính kiên quyết phản đối bất kỳ sự thay đổi hiến pháp nào. Thậm chí Komeito, đảng đồng minh của ông Abe, cũng không thoải mái với ý tưởng này.
“Hơi vội vã khi xem kết quả của cuộc bầu cử Thượng viện làm cơ sở để tranh luận về sửa đổi hiến pháp”, lãnh đạo đảng Komeito, ông Natsuo Yamaguchi, nói trên truyền hình một ngày sau cuộc bầu cử năm 2019. Không có sự ủng hộ của Komeito, ông Abe không có cơ hội thông qua đề xuất ở cả hai viện của quốc hội.
Quan trọng nhất, công chúng Nhật Bản khó chịu với đề xuất thay đổi hiến pháp. Các cuộc thăm dò luôn cho thấy đa số cử tri phản đối ông Abe sửa đổi hiến pháp.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Abe vào năm 2006-2007, việc ông tập trung vào sửa đổi hiến pháp và đưa ra những lời kêu gọi theo chủ nghĩa dân tộc đã khiến tỷ lệ ủng hộ giảm mạnh.
Gác lại giấc mơ
Dù vậy, ông Abe chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu này. Vào ngày 3/5, tại một diễn đàn trực tuyến do nhóm ủng hộ sửa đổi hiến pháp tổ chức, ông Abe nói rằng “quyết tâm sửa đổi hiến pháp của tôi không hề dao động”.
Ông cũng nói về sự cần thiết của việc phải thông qua đề xuất sửa đổi LDP đưa ra vào năm 2018, trong đó đáng chú ý nhất là việc bổ sung điều khoản quyền hạn khẩn cấp trao thêm quyền cho chính phủ trong thời gian khủng hoảng và sửa đổi điều 9 - điều khoản từ bỏ chiến tranh.
Việc ông Abe nhắc đến mong muốn sửa đổi hiến pháp trong khi Nhật phải đối mặt với đại dịch được đánh giá là không thích hợp. Ảnh: AP. |
Bài phát biểu này không thể xuất hiện vào thời điểm tồi tệ hơn. Theo Diplomat, ông Abe và nội các của ông đã đưa ra các thông điệp sai lầm trong đại dịch Covid-19.
Từ video khuyến khích người dân “ở nhà” cho đến sự cố phát khẩu trang kích thước quá nhỏ, chính phủ Nhật hết lần này đến lần khác cho thấy rằng họ không tập trung vào việc đảm bảo lợi ích của người dân.
Thông điệp ngày 3/5 của ông Abe cũng tương tự. Việc lãnh đạo dành thời gian để theo đuổi lợi ích chính trị của riêng mình giữa lúc đất nước phải đối phó tình hình khẩn cấp truyền đi những tín hiệu sai lầm.
Ngoài ra, một trong những người chủ trì diễn đàn trực tuyến ngày 3/5 nói nhóm này ủng hộ nỗ lực sửa đổi hiến pháp trong nhiệm kỳ của ông Abe - đáng lẽ kết thúc vào năm tới.
Vô tình, điều này cho thấy ông Abe tập trung vào việc củng cố di sản của mình hơn là giúp đỡ những công dân đang rất cần hỗ trợ tài chính.