Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hơn 3.000 ngày cầm quyền và di sản dang dở của ông Abe

Thủ tướng Shinzo Abe, người vừa từ chức hôm 28/8, có tham vọng hồi phục nền kinh tế Nhật và chỉnh sửa bản hiến pháp hòa bình của nước này, nhưng kết quả chưa thật sự rõ ràng.

Thu tuong Nhat Ban tu chuc anh 1

Sau khi trở thành thủ tướng tại chức lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông Abe đột ngột từ chức vì gặp vấn đề sức khỏe. Ảnh: Getty.

Shinzo Abe, Thủ tướng tại chức lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, hôm 28/8 bất ngờ tuyên bố từ chức vì vấn đề sức khỏe, kết thúc nhiệm kỳ mà ông theo đuổi một chương trình nghị sự bảo thủ nhằm khôi phục nền kinh tế, quân sự và niềm tự hào dân tộc của đất nước.

Ông Abe, cháu ngoại của cựu thủ tướng Nobusuke Kishi, được bầu vào quốc hội lần đầu tiên vào năm 1993, sau khi cha ông, cựu ngoại trưởng Shintaro Abe, qua đời.

Ông trở thành chánh văn phòng nội các dưới thời ông Junichiro Koizumi và trở thành thủ tướng lần đầu vào năm 2006. Ở tuổi 52, ông là thủ tướng được bầu trẻ tuổi nhất lịch sử Nhật Bản.

Tuy nhiên đúng một năm sau, ông Abe từ chức vì bệnh đại tràng, sau giai đoạn cầm quyền đầy sóng gió vì nhiều scandal của các bộ trưởng dưới quyền.

Ông Abe trở lại với vị trí thủ tướng vào năm 2012, sau khi đảng LDP giành chiến thắng vang dội trong bầu cử. Thủ tướng hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi cần thiết để khôi phục nền kinh tế Nhật Bản, cũng như sửa đổi hiến pháp hòa bình để nước này có thể xây dựng một quân đội chính quy.

Sau 8 năm tại vị, ông Abe một lần nữa tuyên bố từ chức, và lý do cũng như lần trước - căn bệnh đại tràng tái phát - và ông không muốn điều đó ảnh hưởng đến quốc gia.

Mặc dù vậy, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Abe đã có xu hướng giảm từ trước cuộc họp báo đầy bất ngờ hôm 28/8.

Thu tuong Nhat Ban tu chuc anh 2

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận năm 2014. Ảnh: Getty.

Chính sách đối ngoại

Ông Abe bắt đầu thu hút sự chú ý của cả nước vào đầu thập niên 2000, khi tháp tùng cựu thủ tướng Junichiro Koizumi trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng để đàm phán trả tự do cho các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc.

Việc quan tâm đến những công dân bị bắt cóc này trong phần còn lại của nhiệm kỳ được cho là đã góp phần vào quan điểm có phần diều hâu của ông Abe với Triều Tiên.

Khi còn đương nhiệm, ông khuyến khích thảo luận về việc liệu Nhật Bản nên có khả năng tấn công trực tiếp vào các bệ phóng tên lửa trong lãnh thổ đối phương trong trường hợp sắp bị tấn công - điều gắn liền với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Bình Nhưỡng.

Mặc dù tìm cách để cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc, nơi mà những ký ức cay đắng thời chiến còn hằn sâu, ông Abe đã khiến cả hai nước láng giềng khó chịu vào năm 2013 khi đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo - nơi được Bắc Kinh và Seoul coi là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

Từ đó tới nay, ông Abe không đến thăm đền Yasukuni thêm lần nào, nhưng quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc đang chạm đáy, bắt nguồn từ một số tranh cãi có liên quan đến di sản thời chiến.

Thu tuong Nhat Ban tu chuc anh 3

Năm 2018, ông Abe trở thành thủ tướng Nhật đầu tiên đến thăm Bắc Kinh sau 7 năm. Ảnh: New York Times.

Sau nhiều năm lạnh nhạt với Trung Quốc, ông Abe cố gắng mở ra kỷ nguyên mới của quan hệ song phương, khi thực hiện chuyến thăm tới Bắc Kinh vào năm 2018. Đó là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật đến Trung Quốc sau 7 năm.

Ông Abe cũng là một trong số ít những nhà lãnh đạo thế giới duy trì quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai người thường xuyên trò chuyện qua điện thoại và chơi golf.

Chính sách đối nội

Ông Abe từ lâu đã được cho là người muốn xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh hơn cho Nhật Bản, không chỉ bắt nguồn từ mối đe dọa mang tên Triều Tiên.

Trong nhiều năm, ông Abe tìm cách giảm nhẹ hình ảnh tàn bạo trong quá khứ của quân đội Nhật Bản, cố gắng sửa đổi điều 9 trong hiến pháp nước này - do Mỹ soạn thảo sau Thế Chiến II.

Vào năm 2015, sau khi người Nhật đổ xuống đường biểu tình phản đối và phe đối lập phản ứng quyết liệt, ông Abe vẫn thúc đẩy việc thông qua đạo luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia các nhiệm vụ chiến đấu ở nước ngoài bên cạnh đồng minh, với danh nghĩa "phòng thủ tập thể".

Nhưng tham vọng thành lập một lực lượng quân đội chính thức của ông Abe đã không thể trở thành hiện thực, vì công chúng không thay đổi quan điểm. Một thăm dò của Jiji Press năm nay cho thấy 69% người được hỏi vẫn phản đối việc thay đổi điều 9 trong hiến pháp.

Nhiều người cho rằng sau khi ông Abe đắc cử nhiệm kỳ 3 sau cuộc bầu cử năm 2017, đảng Dân chủ Tự do (LDP) sẽ thay đổi quy định để cho phép ông nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Abe giảm mạnh trong thời gian gần đây, được cho là vì phản ứng chậm chạp của chính phủ trong việc ứng phó với virus corona - một phần với hy vọng có thể tiếp tục tổ chức Olympics Tokyo vào mùa hè năm nay.

Khi đại dịch bùng phát, chính quyền của ông Abe không sớm đóng cửa biên giới, tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay kêu gọi mọi người ở nhà hoặc thực hiện giãn cách xã hội. Những nỗ lực sau đó, trong đó có kế hoạch gửi 2 khẩu trang vải cho mỗi hộ gia đình, cũng bị hoài nghi.

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Nhật vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác.

Kinh tế

Di sản có tác động lâu dài nhất của ông Abe, có lẽ là một loạt các chính sách kinh tế nhằm phục hồi tốc độ tăng trưởng trong các thập niên 1970 và 1980.

Hệ thống chính sách này, được gọi là "Abenomics", được thiết kế để hạn chế tác động của tình trạng giảm phát và lực lượng lao động đang ngày càng già đi, thông qua việc giảm lãi suất, tăng chi tiêu công và nới lỏng quy định cho các tập đoàn.

Thu tuong Nhat Ban tu chuc anh 4

Kinh tế Nhật Bản đứng trước cuộc suy thoái lớn nhất kể từ sau chiến tranh. Ảnh: New York Times.

Sự kết hợp này đã mang lại những kết quả nhất định trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ và nâng tầm vị thế quốc tế cho ông Abe.

Nhưng tăng trưởng chững lại vào năm 2019, do hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và kinh tế Nhật còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm nay khi đại dịch Covid-19 gây ra cuộc suy thoái lớn nhất sau chiến tranh.

Một trong những quan điểm cấp tiến của ông Abe là nỗ lực trao quyền cho phụ nữ, vì ông cho rằng việc tăng cường sự tham gia của họ vào lực lượng lao động sẽ giúp hạn chế tác động của dân số giảm và già hóa.

Nhưng một số lời hứa ban đầu trong chương trình nghị sự "Womenomics" của ông - chẳng hạn như tăng tỷ lệ phụ nữ làm quản lý và trong chính phủ - đã không bao giờ trở thành hiện thực.

'Việt Nam đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Thủ tướng Abe'

Việt Nam chúc Thủ tướng Abe sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Nước Nhật ngỡ ngàng khi Thủ tướng Abe từ chức

Thủ tướng Shinzo Abe từ chức với lý do sức khỏe, khiến cả nước Nhật bàng hoàng, đồng thời thị trường chứng khoán chứng kiến cú sốc chỉ sau vài giờ.

Sơn Trần

theo New York Times

Bạn có thể quan tâm