Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác với cơ quan đầu tư tài chính của Nhật Bản và Australia, Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC) của Mỹ đang thảo luận xây dựng một bản ghi nhớ tương tự với Ấn Độ.
Trả lời South China Morning Post ngày 24/9, CEO Ray Washburne của OPIC cho biết các thỏa thuận này cho phép chính phủ 3 nước đẩy nhanh xúc tiến đầu tư chung về năng lượng, giao thông, du lịch và cơ sở hạ tầng công nghệ.
Những dự án đầu tư này được kỳ vọng sẽ thu hút một lượng khổng lồ dòng vốn từ khu vực tư nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/7 tuyên bố "kỷ nguyên mới" về cam kết của Mỹ ở "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" với việc công bố sáng kế đầu tư 113 triệu USD cho các lĩnh vực kinh tế số, năng lượng và hạ tầng ở khu vực này. Ảnh: Reuters. |
OPIC là một cơ quan của chính phủ Mỹ có chức năng hỗ trợ định hướng dòng vốn tư nhân của Mỹ cho các dự án phát triển ở nước ngoài, dưới hình thức các khoản vay hoặc quỹ đầu tư.
Sức ảnh hưởng của OPIC tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ gia tăng một khi quốc hội Mỹ thông qua "Đạo luật vận dụng hiệu quả đầu tư phát triển 2018". Dự thảo đã được Hạ viện Mỹ phê duyệt vào tháng 7 và nằm trong danh sách "cần được thông qua" của Thượng viện vào tuần này.
Sau khi đạo luật được Tổng thống Donald Trump phê duyệt, OPIC sẽ được đổi tên thành Tập đoàn Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (USIDFC) và tăng gấp đôi số vốn họ có thể đầu tư cho các dự hạ tầng, với mức trần mới lên đến 60 tỷ USD.
Quan hệ đối tác 3 bên giữa OPIC với Nhật Bản và Australia là một phần của sáng kiến "Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương" mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố vào cuối tháng 7, nhằm thách thức ảnh hưởng kinh tế ngày một lớn của Trung Quốc tại khu vực.
Theo Hạ nghị sĩ Ted Yoho, việc đưa Ấn Độ vào nhóm đối tác của OPIC là một nỗ lực "đưa các nước có cùng suy nghĩ ngồi lại với nhau" và tạo đối trọng với "kiểu cho vay săn mồi" của Trung Quốc.
Ray Washburne, chủ tịch kiêm CEO OPIC, cho rằng Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược cho vay đẩy đối tác vào bẫy nợ. Ảnh: Dallasnews. |
Hồi đầu tháng 9, ông Ray Washburne từng công khai chỉ trích Trung Quốc chỉ đầu tư nhằm nắm quyền kiểm soát tài nguyên ở các nước vay tiền của mình.
Phát biểu tại một sự kiện ở trụ sở Washington của OPIC, ông Washburne cho rằng sáng kiến "Vành Đai, Con Đường" của Trung Quốc cố tình đẩy những nước đối tác vào bẫy nợ, sau đó đòi kiểm soát “nguồn khoáng sản, đất hiếm hoặc nhiều tài sản chiến lược khác làm phí đền bù cho các khoản vay”.
OPIC đang lên kế hoạch cạnh tranh sức hấp dẫn của dòng vốn Trung Quốc tại Myanmar.
Cơ quan tài chính Mỹ dự kiến đầu tư cho các dự án tháp viễn thông của công ty Apollo Towers Myanmar gần 250 triệu USD. Công ty này đã xây dựng 1.800 tháp viễn thông kể từ khi bắt đầu dự án vào năm 2014 và sẽ xây thêm 2.000 tháp trong giai đoạn 2 của dự án.