“Động lực đằng sau thỏa thuận này là gì, mục tiêu của Trung Quốc ra sao và các câu hỏi tương tự đều hoàn toàn không rõ ràng vì văn bản này chưa được xem xét hay được đem ra tham vấn bởi bất cứ ai”, ông Kritenbrink nói trong buổi họp báo trực tuyến sáng 26/4.
“Rất rõ ràng là chỉ một số ít người trong một nhóm rất nhỏ đã xem thỏa thuận này”, ông Kritenbrink nói. “Thủ tướng (Solomon Manasseh Sogavare) cũng từng được dẫn lời cho biết ông ấy sẽ chỉ chia sẻ chi tiết thỏa thuận với sự cho phép của Trung Quốc”.
Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh vào ngày 19/4, cho phép tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại khu vực cách bờ biển Australia khoảng 2.000 km, đồng thời cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới Quần đảo Solomon nếu nơi đây xảy ra bất ổn.
Trước các lo ngại của Australia và Mỹ, Thủ tướng Sogavare nhiều lần khẳng định sẽ không để Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại đây.
Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink cho biết Mỹ sẽ theo sát tình hình và sẽ có “phản ứng tương xứng” nếu xuất hiện các biện pháp để thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài trên thực tế. Trước câu hỏi của báo chí, ông Kritenbrink không cho biết phản ứng ấy cụ thể là gì.
Ông cũng chỉ ra rằng quan hệ song phương Mỹ - Quần đảo Solomon “rộng lớn hơn thỏa thuận an ninh” trên. Đồng thời, Washington tôn trọng chủ quyền của Quần đảo Solomon và sẽ không buộc các nước phải chọn bên.
“Chúng tôi hoan nghênh mọi đóng góp vào sự phát triển của khu vực, dù là từ Trung Quốc hay các nước khác, miễn là họ tuân thủ các tiêu chuẩn cao như về tính minh bạch, pháp quyền, hoạt động tài chính bền vững và tôn trọng chủ quyền trong khu vực”, ông Kritenbrink nói.
Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác với Quần đảo Solomon trên các phương diện như đẩy nhanh tiến độ mở Đại sứ quán Mỹ, mở đối thoại chiến lược cấp cao vào tháng 9, rà phá bom mìn còn sót lại, tăng cường nhận thức hàng hải…
Trước đó, Australia - đồng minh của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương - cũng bày tỏ lo ngại về thỏa thuận an ninh Trung Quốc - Quần đảo Solomon.
Phó thủ tướng Australia Barnaby Joyce ngày 24/4 cảnh báo Quần đảo Solomon nên "hết sức cẩn thận" khi ký kết thỏa thuận an ninh với Trung Quốc vì có thể “ảnh hưởng chủ quyền”.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định không lập căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon.