“Chúng tôi đã nhận được đề xuất”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov xác nhận, theo TASS hôm 22/6. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết cụ thể về đề xuất từ phía Mỹ.
“Chúng tôi không tiết lộ nội dung các yêu cầu ngoại giao và cũng không bình luận về chúng”, ông Ryabkov giải thích. “Nhưng chúng tôi đã nhận được tín hiệu từ Washington và đang thảo luận về vấn đề này”.
Tại thời điểm này, việc đưa ra bất cứ bình luận nào nữa sẽ “hoàn toàn không phù hợp”, ông nói.
Alexander Drueke (trái) và Andy Huynh là hai cựu binh quân đội Mỹ bị Nga bắt khi giao tranh tại Ukraine. Ảnh: Telegraph. |
Hai công dân Mỹ - Alexander Drueke, 39 tuổi, và Andy Huynh, 27 tuổi - đã bị bắt giữ tại Ukraine trong lúc chiến đấu cho Kyiv. Họ được cho là những binh sĩ Mỹ đầu tiên bị quân Nga bắt giữ kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2.
Drueke từng phục vụ trong quân đội Mỹ và Huynh từng phục vụ trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến. Cả hai mất tích sau khi đội ngũ của họ hứng chịu đợt hỏa lực mạnh ở khu vực phía đông bắc Kharkiv vào ngày 9/6.
Mỹ từng nhấn mạnh rằng bất kỳ binh sĩ nào bị bắt đều phải được coi là tù nhân chiến tranh và được bảo vệ bởi các nguyên tắc về đối xử nhân đạo và xét xử công bằng.
Tuy nhiên, quân đội Nga và lực lượng ly khai tại Ukraine tuyên bố sẽ coi những người nước ngoài chiến đấu cho Ukraine là lính đánh thuê. Điều này có nghĩa họ sẽ không được bảo vệ như binh sĩ chính quy theo Công ước Geneva.
Điện Kremlin cho biết những công dân Mỹ bị bắt ở Ukraine phải tuân theo quyết định của tòa án và không loại trừ khả năng họ có thể phải đối mặt với án tử hình.
Trước đó, 3 binh sĩ nước ngoài khác chiến đấu cho Ukraine, bao gồm 2 người Anh và một người Morocco, đã bị tòa án của nhà nước tự xưng ly khai ở Donetsk, thuộc Donbas, kết án tử hình.