Không lâu sau khi loạt tên lửa của Iran bắt đầu rơi xuống căn cứ không quân Ain al-Asad của Iraq, lính Mỹ tại cơ sở sa mạc đã mất liên lạc với các con mắt cực kỳ mạnh mẽ và đắt đỏ của họ trên bầu trời.
Vào thời điểm cuộc tấn công được phát động lúc 1h35 sáng 8/1, quân đội Mỹ đã điều 7 máy bay không người lái (UAV) qua Iraq để theo dõi các căn cứ nơi các lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu được triển khai.
Chúng bao gồm MQ-1C Grey Eagles, máy bay không người lái giám sát tiên tiến có thể bay trong vòng 27 giờ và mang theo trọng tải lên tới bốn tên lửa Hellfire.
Binh sĩ Mỹ đi ngang qua một máy bay không người lái tại căn cứ không quân Ain al-Asad ở tỉnh Anbar phía tây Iraq. Ảnh: AFP. |
"Chúng tôi nghĩ rằng nó có thể dẫn đến một cuộc tấn công mặt đất, vì vậy chúng tôi đã giữ máy bay trên trời", Trung sĩ Costin Herwig, phi công 26 tuổi, nói với AFP.
Herwig đang lái chiếc Đại bàng Xám khi tên lửa đầu tiên của Iran tấn công căn cứ, trả thù cho vụ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad ngày 3/1.
Hầu hết 1.500 lính Mỹ khác trú ẩn trong hầm trong hai giờ, sau khi có cảnh báo trước từ cấp trên.
Nhưng 14 phi công đã ở trong buồng lái tối để điều khiển "các con chim" từ xa và theo dõi tình hình từ máy ảnh công suất cao của họ.
Tên lửa đầu tiên làm cát bụi thổi vào nơi trú ẩn của họ nhưng các phi công đã ở lại, Herwig nói với AFP trong chuyến tham quan báo chí tại căn cứ do liên quân tổ chức.
Các vòng tên lửa tiếp theo đến ngày càng gần hơn. Binh sĩ này nhớ lại rằng anh đã "chấp nhận số phận".
"Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi gần như đi tong rồi", anh nói.
Mất kiểm soát tình hình
Nhưng cuộc khủng hoảng thực sự vẫn chưa đến.
Các loạt tên lửa, mà các binh sĩ cho biết kéo dài khoảng ba giờ, đâm sầm vào khu vực ngủ ngay sát phòng điều hành của phi công.
"Không quá một phút sau loạt tên lửa cuối cùng, tôi đi tới các boongke ở phía xa và thấy lửa đang bùng cháy qua các đường dây", Trung sĩ Wesley Kilpatrick nói.
Những đường dây này liên kết buồng lái ảo với ăng-ten rồi tới các vệ tinh gửi tín hiệu đến Đại bàng Xám và gửi các nguồn cấp dữ liệu của máy quay tới màn hình tại Ain al-Asad.
"Các đường dây bị cháy khiến chúng mất kiểm soát", Kilpatrick nói.
Thiệt hại tại căn cứ không quân Ain al-Asad sau vụ phóng tên lửa của Iran. Ảnh: AFP. |
Những người lính không còn có thể định vị được máy bay không người lái và không thấy được các sự kiện trên không và trên mặt đất.
Nếu một máy bay không người lái bị bắn hạ, các đội trực chiến tại Ain al-Asad không thể biết được.
"Đó là một vấn đề khá lớn, bởi vì nó rất tốn kém và có rất nhiều thứ trên đó mà chúng tôi không muốn người khác hoặc kẻ thù có được", Herwig nói.
Một chiếc Đại bàng Xám có giá khoảng 7 triệu USD, theo ước tính ngân sách quân đội năm 2019.
Chúng đã được sử dụng ở Iraq kể từ năm 2007 bởi liên minh chống nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo.
Liên minh được yêu cầu phải được sự chấp thuận từ chính phủ Iraq để vận hành máy bay không người lái và máy bay nhưng các giấy phép đó đã hết hạn vài ngày trước khi Iran tấn công.
Quân đội Mỹ dù sao cũng đã giữ máy bay không người lái trên không sau nhiều tháng tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ của Iraq, nơi lực lượng của họ đồn trú, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên.
Cuộc đua với thời gian
Khi các quả bom rơi xuống gần hơn vào ngày 8/1 và máy bay không người lái bị vô hiệu hóa, cuối cùng các phi công đã chui vào hầm.
Nhưng ngay sau khi các vụ nổ dừng lại, họ vội vã chạy ra ngoài và đối mặt cuộc chạy đua với thời gian để lấy tín hiệu rồi gấp gáp tìm kiếm và hạ cánh các Đại bàng Xám.
Khi bình minh bắt đầu, các binh sĩ gấp rút thay thế 500 mét sợi cáp quang bị nóng chảy và lập trình lại các vệ tinh để có thể kết nối lại với UAV.
Các máy bay không người lái của quân đội Mỹ trên đường băng tại căn cứ không quân Ain al-Asad ở tỉnh Anbar phía tây Iraq. Ảnh: AFP. |
Các tên lửa đạn đạo của Iran đã làm sân bay của Ain al-Asad nham nhở và tháp điều khiển trống rỗng.
"Sân bay đã ngừng hoạt động nên chúng tôi phải hạ cánh mà không nói với bất kỳ ai. Chúng tôi không biết máy bay nào khác ở đâu. Phần đó khá căng thẳng", Herwig nói.
Ưu tiên là chiếc Đại bàng Xám đã được lên kế hoạch hạ cánh ngay khi cuộc tấn công tên lửa bắt đầu và nó vẫn bay cho đến khi cạn kiệt nhiên liệu một cách đáng lo ngại.
Các phi công đã làm việc trong nhiều giờ để hạ cánh từng người máy bay một, toát mồ hôi khi những người lính khác đang dưỡng sức, tắm rửa và đánh giá thiệt hại.
Vào khoảng 9h, máy bay không người lái cuối cùng đã được đưa xuống mặt đất.
"Chúng tôi đã hạ cánh tất cả 'đàn chim' của chúng tôi trở lại căn cứ", Kilpatrick nói, mỉm cười nhẹ nhõm và tự hào.
"Đó là một kỳ công", anh nhận xét.