Sau khi tránh được một cuộc chiến tranh, các nhà lãnh đạo Iran và Mỹ có thể sẽ đánh giá những gì được và mất trong đợt căng thẳng đã diễn ra trong 20 tháng qua. Tìm cách leo thang xung đột để giảm bớt áp lực chính trị nội bộ, hai bên đều tuyên bố chiến thắng, nhưng giới phân tích cho rằng cả hai đều thua, New York Times cho biết.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Tehran, đã khởi động chu kỳ “ăn miếng trả miếng”, khiến hai nước đều chịu tổn thất do hậu quả của những vấn đề lớn trong cuộc cạnh tranh.
Mỗi bên đều đạt được những lợi ích nhất định, nhưng rất khiêm tốn. Những chiến thắng tưng bừng mà họ tuyên bố, hầu hết đều gây tổn hại cho đối phương mà không đem lại lợi ích cụ thể nào.
Dalia Dassa Kaye, giám đốc trung tâm về Trung Đông tại tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), cho biết trong khi cuộc xung đột có vẻ xa vời, hậu quả của nó có thể mất nhiều tháng, nhiều năm để nhìn thấy, cuộc kiểm đếm có vẻ tồi tệ cho cả đôi bên.
Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran, cũng như ngăn chặn Tehran vũ trang cho các nhóm phiến quân, đặc biệt là cân bằng quyền lực ở Trung Đông theo chiều hướng bất lợi cho Iran.
Tehran đã đạt được tiến bộ nhất định trong việc duy trì ảnh hưởng trong khu vực, cứu vãn sự mở cửa ngoại giao quốc tế và các lệnh trừng phạt thông qua thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015, cho đến khi Tổng thống Trump xé bỏ nó.
Giới phân tích cho rằng sự đoàn kết dân tộc ở Iran sau cái chết của tướng Soleimani sẽ không kéo dài. Ảnh: New York Times. |
Đợt căng thẳng kéo dài gần 2 năm qua là một bài học về giới hạn của lý thuyết “trò chơi có tổng bằng 0”, cho rằng sự mất mát của kẻ thù luôn luôn là lợi ích của người khác. Trong trường hợp của Mỹ và Iran, các đợt leo thang ăn miếng trả miếng đều khiến hai bên chịu thiệt hại nhiều hơn.
Tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông
Phần lớn cuộc xung đột giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh nỗ lực để hạn chế việc Iran sử dụng lực lượng ủy quyền và đẩy lùi ảnh hưởng đang gia tăng của Tehran trong khu vực.
Lợi ích đem lại cho Mỹ trong vấn đề này hầu như không thể xác định được. Các hành động của Mỹ vẫn không thể ngăn Iran sử dụng lực lượng ủy nhiệm, hoặc thuyết phục họ lùi bước khỏi khu vực rộng lớn hơn.
Thay vào đó, các hoạt động của lực lượng ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn lại tăng lên. Các mối đe dọa mà Mỹ tạo ra có thể đã khiến Iran tin rằng cuộc chiến với Washington sẽ xảy ra, buộc họ phải chiến đấu với tất cả những gì khó khăn nhất.
Quyết định ám sát tướng Qassim Soleimani, lãnh đạo quân sự hàng đầu của Iran vẫn chưa thay đổi được hành vi của Tehran, hoặc cân bằng quyền lực trong khu vực. “Các vụ ám sát không loại bỏ được các mối đe dọa hoặc tình huống chính trị và chiến lược lâu dài”, Dahlia Scheindlin, nhà phân tích Israel đã viết trong một bản tóm tắt chính sách cho Tổ chức Thế kỷ.
Vụ đáp trả bằng cách phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân đội Mỹ ở Iraq của Iran hại nhiều hơn lợi. Ảnh minh họa: Fars News. |
Lợi ích của việc ám sát tướng Soleimani chưa thấy đâu, nhưng tổn thất cho Mỹ đã thấy ngay trước mắt. Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu thông qua dự luật yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi nước này. Dù vẫn chưa thể xác định người Mỹ có rời đi hay không, mối quan hệ giữa Washington và Baghdad đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Tình trạng hỗn loạn gia tăng sau vụ ám sát khiến nỗ lực do Mỹ đứng đầu trong việc chống lại IS bị nghi ngờ. Các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia dường như sợ bị cuốn vào cuộc xung đột lớn hơn, nên đã tìm cách giảm leo thang căng thẳng với Iran. Điều này khiến Mỹ trở nên ít đối tác hơn trong việc cô lập Iran.
Đối với Iran, lợi ích của họ trong khu vực vẫn chỉ là lý thuyết. Tehran có thể lấp đầy khoảng trống nếu Washington rút quân, hay rạn nứt ngoại giao giữa Mỹ và Iraq vẫn là một câu hỏi.
Bên cạnh đó, sự tức giận đối với ảnh hưởng của Iran đã tăng cao trước khi xảy ra cuộc ám sát tướng Soleimani của Mỹ. Sự trả đũa của Iran bằng cách bắn tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq là sự không tôn trọng chủ quyền Baghdad.
“Cái chết của tướng Soleimani đã dẫn đến làn sóng tình cảm dân tộc bên trong Iran. Tuy nhiên, đối với thực trạng kinh tế đang hỗn loạn, điều này có thể chỉ là tạm thời. Những áp lực trong nước và tiềm năng bất ổn vẫn còn rất cao”, bà Kaye nói.
Tướng Soleimani chết, Iran mất đi nhân vật trung tâm, kiến trúc sư trong các chiến dịch của Iran nhằm định hình các cuộc xung đột và chính trị ở Trung Đông theo hướng có lợi cho Iran.
“Cái chết của tướng Soleimani chắc chắn sẽ làm hỏng một số dự án quan trọng mà ông chỉ huy, nhưng có rất ít lý do để Iran thay đổi hành vi. Các hoạt động tình báo, quân sự của Tehran quá lớn và tinh vi mà cái chết của một người có thể đem lại sự thay đổi chính sách”, cô Scheindlin nói.
Mục tiêu nắm ưu thế quyền lực và chính trị của Mỹ và Iran ở Trung Đông đều suy yếu. Hai bên đều không đạt được mục tiêu chính của mình.
Vấn đề hạt nhân
Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, với lý do Iran đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump cam kết sẽ ngăn chặn điều này và áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn so với những gì được đề cập trong thỏa thuận.
Đối với Mỹ, vấn đề hạt nhân của Iran vẫn chưa thành hiện thực, nhưng tổn thất đối với Mỹ đã tăng lên. Việc Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận biến Washington trở thành một “đối tác không tin cậy”, dẫn đến sự hoài nghi về một thỏa thuận khác trong tương lai.
“Nó cho thấy sự không tin cậy của Mỹ để thực hiện thêm bất kỳ thỏa thuận nào khác với đối phương. Có ai sẽ tham gia một thỏa thuận như Iran với chúng ta nữa hay không”, Elizabeth N. Saunders, nhà phân tích tại Đại học Georgetown nói.
Các thanh sát viên quốc tế kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Arak, Iran vào năm 2019. Ảnh: AP. |
Iran đã phản ứng với sự leo thang của Mỹ bằng cách tuyên bố không tuân thủ một số hạn chế trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Thực tế Iran đã tiến hành một số bước như đẩy mạnh làm giàu uranium, nhưng họ sẽ phải đối mặt với áp lực từ cộng đồng quốc tế nếu chọn thúc đẩy chương trình hạt nhân.
Tuy vậy, lợi ích của Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 ít hơn nhiều so với vẻ ngoài của nó. Tehran đã khai thác sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế đối với Mỹ để rút khỏi một số hạn chế mà không gây ra khủng hoảng. Tuy nhiên, mục tiêu của Iran không phải là vũ khí hạt nhân mà tìm cách khôi phục nền kinh tế và ngoại giao.
Dù Iran hy vọng việc gia tăng áp lực sẽ thúc đẩy cộng đồng quốc tế đưa ra giải pháp, nhưng thực thế nó không đến gần mục tiêu mà họ dự định. Trong khi đó, tổn thất với Iran lại lớn hơn. Nền kinh tế của họ tiếp tục hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong nước.
Các mối đe dọa và các cuộc tấn công ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn khiến các cường quốc châu Âu xa lánh họ mà vốn là hy vọng có thể gây áp lực để Mỹ lùi bước. Một nỗ lực do Pháp dẫn đầu vào mùa thu năm ngoái, dự định cấp cho Iran gói tín dụng trị giá 15 tỷ USD, để đổi lấy việc nước này tuân thủ trở lại các điều khoản trong thỏa thuận, đã sụp đổ dưới sức ép của Mỹ.
Cả Mỹ và Iran đều thất bại trong việc duy trì thiện cảm của cộng đồng quốc tế. Hai nước bị cuốn vào một cuộc đối đầu mà đều không đem lại lợi ích cho đôi bên, đồng thời khiến cho hai nước rất khó khăn để lùi bước.
Không bên nào thực sự có được chiến thắng trong cuộc xung đột kéo dài thời gian qua.