Brian Hook, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran, ngày 7/1 đang có mặt tại Los Angeles để phát biểu về chính sách Mỹ đối với Iran. Ông bước lên bục diễn thuyết trễ gần 1 tiếng. Gần cả ngày ông trao đổi trên đường dây liên lạc mật với các quan chức tại Washington, trong đó có sếp của mình là Ngoại trưởng Mike Pompeo.
"Người dân Iraq và Lebanon và Iran, họ muốn đòi lại đất nước của mình. Họ đã quá mệt mỏi với việc Iran không chịu ở yên trong biên giới của nước này. Xin cảm ơn các bạn", ông nói ngắn gọn rồi rời khỏi sân khấu.
Bộ máy quốc phòng Mỹ đang vận động hối hả. Chỉ ít phút trước, vệ tinh tình báo Mỹ bắt được tín hiệu nhiệt tại Iran, cho thấy nước này vừa khai hỏa tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Iran phóng 16 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào các căn cứ tại Iraq có quân đội Mỹ đồn trú nhưng không có thương vong nào được ghi nhận. Ảnh: Fars. |
Nghi ngờ khả năng xử lý của chính phủ
Giới chức Mỹ vốn biết trước khả năng không kích sau khi nhận được mật báo từ chính phủ Iraq. Các đối tác Mỹ đã được Iran báo trước về kế hoạch tấn công và cần phải sơ tán nhân sự ở những căn cứ nào. Máy bay do thám của họ trong khu vực chặn thành công liên lạc điện tín phía Iran.
Với dữ liệu này, các chuyên gia phân tích tình báo Mỹ nhanh chóng xác định mục tiêu của Iran là hai căn cứ Al-Assad và Erbil.
Quân nhân đồn trú nhận được cảnh báo chỉ trong vài phút sau. Họ đã trong tình trạng cảnh giác cao độ từ trước và lập tức di chuyển vào công sự trú ẩn, một nguồn thạo tin tiết lộ.
Quá trình chuẩn bị bắt đầu từ một ngày trước khi biết có nguy cơ tấn công. Khi mối đe dọa được nhận diện rõ, thông báo tên lửa đang tiến đến mục tiêu được gửi ngay đến doanh trại.
Vào khoảng 19h30 (theo giờ Mỹ), thông báo chính thức về vụ không kích được công bố. Iran phóng khoảng 16 tên lửa đạn đạo. Đây là thời khắc chính phủ Mỹ cùng Tổng thống Donald Trump đã chờ đợi suốt những ngày qua, một đòn phản công trực diện từ Iran trả thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani. Vị tư lệnh Iran thiệt mạng trong cuộc không kích ngày 3/1 ngay ngoài sân bay quốc tế Baghdad.
Tin đến giữa lúc chính phủ Trump chìm trong hỗn loạn thông tin do chính mình gây nên. Đầu tiên, tổng thống Mỹ đe dọa tấn công những địa điểm văn hóa tại Iran gây tranh cãi. Sau đó, một lá thư do Lầu Năm Góc gửi nhầm đến Baghdad thông báo quân Mỹ sắp rút khỏi Iraq. Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đính chính đó chỉ là thư nháp và đã có nhầm lẫn.
Những diễn biến này dấy lên hoài nghi liệu chính phủ Trump đủ khả năng xử lý cuộc khủng hoảng sau vụ sát hại tướng Soleimani. Nhiều đồng minh đảng Cộng hòa cũng bí mật bày tỏ lo lắng về năng lực chính phủ.
Đội ngũ tổng thống cuối cùng cho thấy vẫn nhận thức rõ tình hình. Họ thảo luận trong Phòng Tình huống tại Nhà Trắng rằng những giờ kế tiếp có thể kết thúc chuỗi ngày hỗn loạn hoặc tô đậm thêm hình ảnh một con tàu mong manh trước khủng hoảng.
Đêm 7/1, khi các trợ lý của ông Trump theo dõi diễn biến vụ nã tên lửa, rủi ro xung đột bỗng trở thành cơ hội mới để Tổng thống Trump hạ nhiệt tình hình. Sự tự tin được củng cố khi Iran liên tục gửi thông điệp về khả năng dừng trả đũa qua các kênh ngoại giao bí mật. Đội ngũ của tổng thống nhận ra thiệt hại có thể được kiềm tỏa.
"Iran có vẻ đang xuống nước. Đây là điều tốt cho mọi bên liên quan và điều rất tốt cho thế giới", Tổng thống Trump phát biểu vào sáng 8/1.
Thông điệp giảm căng thẳng được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra sau nhiều giờ các quan chức chính phủ, nhà ngoại giao, đội ngũ trợ lý và giới lập pháp Mỹ quay cuồng tìm lối thoát cho khủng hoảng sau "mưa tên lửa" từ Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tại Nhà Trắng. Ảnh: AP. |
"Hãy cầu nguyện"
Chưa đầy 1 tiếng kể từ khi tên lửa bắn trúng Al-Assad và Erbil, nhóm lãnh đạo lưỡng viện quốc hội Mỹ nhận được báo cáo tình hình. Tại Hạ viện, Chủ tịch Nancy Pelosi nhận tin khi đang chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo đảng Dân chủ về vấn đề Iran. Hạ nghị sĩ Dan Kildee, người tham gia cuộc họp, cho biết bà Pelosi đã tạm ngưng thảo luận để đọc thông báo.
"Hãy cầu nguyện", nữ chủ tịch Hạ viện Mỹ chia sẻ.
Không lâu sau, bà trao đổi qua điện thoại với Phó tổng thống Mike Pence để được thông tin thêm về diễn biến. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, Chuck Schummer, cũng nhận cuộc gọi báo từ ông Pence vào cùng thời điểm. Trong khi đó, các lãnh đạo đảng Cộng hòa được báo tin trực tiếp từ Tổng thống Trump.
Tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper họp cùng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và các quan chức quốc phòng cấp cao ngay khi nghe tin. Chưa đầy một tiếng sau khi đòn tấn công được truyền thông đăng tải, văn phòng của ông Esper liên hệ ngay với Thủ tướng Iraq Adil Abdul al-Mahdi.
Lần liên lạc đầu không thành công. Đó đã là 3h sáng theo giờ Baghdad và số điện thoại văn phòng ông Mahdi mà Lầu Năm Góc được cung cấp không thể kết nối, một nguồn thạo tin cho biết. Họ liên hệ ngay với đại sứ Iraq ở Washington tại nhà riêng, người sau đó bắt liên lạc cho Baghdad.
Sau vài cuộc gọi khác cho quan chức cấp cao của lưỡng viện quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mark Milley tức tốc đến Nhà Trắng. Ngoại trưởng Mike Pompeo và tướng Milley đến nơi gần như cùng lúc khi đồng hồ chưa điểm tới 19h30.
Ngoại trưởng Mỹ đến trước, ông ngồi chờ mọi người trong chiếc Cadillac, mở đèn ghế hành khách đọc thông tin từ hai chiếc điện thoại di động. Khi hai chiếc xe VIP còn lại đến cổng, cả ba qua chức hàng đầu chính phủ - Ngoại trưởng Pompeo, Bộ trưởng Esper và tướng Milley - cùng đi vào Cánh Tây.
Không lâu sau, nhóm quan chức cấp cao khác được tập hợp tại Phòng Tình huống. Ngoài Phó tổng thống Pence và ba vị quan chức trên, phòng họp còn có Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien, quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Joseph Maguire, Quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Cố vấn pháp lý Nhà Trắng Pat Cippolone và Thư ký Báo chí Stephanie Grisham cũng có mặt, trong khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel họp qua điện thoại.
Mục tiêu đầu tiên là xác minh liệu có người Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công. Một thượng nghị sĩ trao đổi với Tổng thống Trump cho biết nhà lãnh đạo đã sẵn sàng ra lệnh tấn công các cơ sở của Iran nếu phát hiện có thương vong dù tối thiểu. Việc xác minh kéo dài đến tận khuya mới hoàn thành. Tuy nhiên, các bằng chứng ban đầu đủ khiến mọi người lạc quan không có thiệt hại về người.
Điều này khiến phòng họp cảm thấy nên phản ứng kiềm chế, theo tiết lộ từ nhiều nguồn tin. Trong khi một số ý kiến đề xuất phản công Iran ngay trong đêm, quyết định cuối cùng là án binh bất động trước khi có thêm thông tin về ý định của Iran cũng như điều kiện thực địa, theo một quan chức Nhà Trắng.
Căn cứ Mỹ tại Iraq đã chuẩn bị từ trước cho khả năng Iran tiến hành tấn công. Ảnh: Reuters. |
Kiềm chế và án binh bất động
Một trong những phản ứng đầu tiên trong phòng họp là sự ngạc nhiên. Iran cho phóng quá ít tên lửa dù kho vũ khí của họ có hàng nghìn đầu đạn. Thực tế này, cùng với dự báo từ trước rằng Iran sẽ nổ súng, khiến mọi người cảm thấy bình tĩnh.
Dù vẫn có những căng thẳng về mức độ nghiêm trọng qua vụ tấn công, nhóm cố vấn hàng đầu của ông Trump cảm thấy an tâm hơn vì Iran có vẻ muốn gửi thông điệp hơn là chủ tâm giết hại người Mỹ.
Một nguồn tin nhấn mạnh tên lửa đạn đạo Iran vận hành rất chính xác trong những lần trước đó, điển hình là cuộc tấn công vào nhà máy dầu của Saudi Arabia. Loạt tên lửa bắn vào Al-Assad và Erbil đáng lẽ phải chết chóc hơn nhiều.
Chỉ vài tiếng sau vụ việc, tổng thống quyết định sẽ có phát biểu trước công chúng và yêu cầu đội ngũ xây dựng hướng nội dung mà ông mong muốn. Trong lúc tổng thống và các cố vấn họp tiếp tại Phòng Tình huống, đội trợ lý bắt đầu gấp rút lên kế hoạch cho bài phát biểu toàn quốc và chuẩn bị sẵn Phòng Bầu dục. Người chịu trách nhiệm chính là trợ lý tổng thống Stephen Miller.
Trong những ngày qua, nhiều quan chức hàng đầu tại Nhà Trắng đã bày tỏ sự tiếc nuối khi tổng thống không phát biểu sau chiến dịch tiêu diệt tướng Soleimani. Họ lo ngại ông Trump bỏ lỡ cơ hội để định hướng thông tin có lợi cho mình.
Bên trong Phòng Tình huống tại Nhà Trắng đêm 7/1 khi Tổng thống Trump cập nhật tình hình vụ nã tên lửa từ Iran. Ảnh: Nhà Trắng. |
Ngay sau loạt tên lửa ngày 7/1, trợ lý Nhà Trắng và con rể tổng thống, Jared Kushner, hối thúc ông Trump phải lên tiếng. Dù vậy, quyết định cuối cùng vẫn là không hấp tấp.
Tại Đồi Capitol, nhóm lãnh đạo đảng Cộng hòa nhận cập nhật liên tục từ Nhà Trắng, trong đó có lãnh đạo nhóm đa số Mitch McConnel và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ James Inhofe. Thông điệp chung mà Nhà Trắng nhắn gửi là kiềm chế và đây là cơ hội để hạ nhiệt xung đột.
Cuối cùng, Nhà Trắng thông báo tổng thống sẽ không phát biểu trong đêm 7/1. Thông tin được đón nhận trong sự thở phào ở lưỡng viện Mỹ, theo nhiều nguồn tin trong đảng Cộng hòa.
Gần 21h, nhà lãnh đạo bắt đầu gọi điện cho một số nghị sĩ đồng minh, trong đó có James Inhofe. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện sau đó tiết lộ với báo giới rằng ông Trump có thái độ "vô cùng tích cực", thông báo sẵn sàng đàm phán với Iran. Inhofe tán thành quan điểm của tổng thống, nhận định đây không chỉ là cơ hội để giảm căng thẳng mà còn cho đàm phán bắt đầu.
"Mọi việc đều ổn. Tên lửa phóng từ Iran đến hai căn cứ quân sự ở Iraq. Đánh giá thương vong và thiệt hại đang diễn ra. Cho đến giờ thì vẫn tốt. Chúng ta có quân đội hùng mạnh và được trang bị tốt nhất thế giới. Tôi sẽ có phát biểu vào sáng hôm sau", tổng thống viết lên mạng xã hội 45 phút sau.
Nhưng đêm dài vẫn chưa kết thúc.
Kênh ngoại giao mật của Iran
Bắt đầu từ đêm 7/1 và sáng 8/1, Iran mở liên lạc với chính phủ Mỹ thông qua ít nhất 3 kênh ngoại giao bí mật, bao gồm Thụy Sĩ và một số nước khác. Thông điệp từ Tehran rất cụ thể: Đây chỉ là hành động đáp trả, họ sẽ chờ xem Mỹ hành động thế nào.
Trong thông điệp phản hồi, Mỹ nói họ biết rõ Iran kiểm soát nhiều lực lượng ủy nhiệm trong khu vực bao gồm cả Hezbollah. Nguồn tin cho biết Iran có tìm cách "nói vòng quanh chối bỏ", không chịu trách nhiệm cho các lực lượng này. Washington không tin tưởng lập luận phía Tehran.
Tổng thống Trump phát biểu về vụ nã tên lửa của Iran, không tuyên bố trả đũa quân sự. Ảnh: Reuters. |
Khoảng 1h ngày 8/1, đánh giá chiến trường hoàn thành và xác nhận không có thương vong ở hai căn cứ. Các đội phân tích an ninh quốc gia làm việc xuyên đêm không ngủ trong các phòng mật tại Nhà Trắng, soạn thảo phương án đáp trả bao gồm kế hoạch trừng phạt Iran. Đến rạng sáng cùng ngày, các nhóm họp cùng Tổng thống Trump và cập nhật đánh giá tình hình.
Đó là lúc nhà lãnh đạo đưa ra quyết định cuối cùng về cách phản ứng của Mỹ: chỉ trừng phạt, còn phương án leo thang được rút khỏi danh sách cân nhắc.
"Họ đã nhượng bộ. Giờ thì chúng ta cũng nhượng bộ một chút", một quan chức cấp cao Mỹ chia sẻ.
Tổng thống Trump sau đó tự tay chỉnh sửa bài phát biểu, lấy ý kiến từ nhiều cố vấn an ninh quốc gia trong đó có Bộ trưởng Esper, Ngoại trưởng Pompeo và tướng Milley. Trong khi Nhà Trắng chuẩn bị sự kiện vào 11h cùng ngày, các cố vấn tiếp tục đưa thêm ý kiến cho bài phát biểu của tổng thống, làm trễ giờ gần 30 phút.
Khi phóng viên và nhân viên Nhà Trắng đứng chật cả thảm đỏ tòa nhà quyền lực nhất nước Mỹ, các cố vấn an ninh hàng đầu cũng bước vào phòng họp báo, đa số mặc quân phục chỉnh tề.
Cánh cửa gỗ mở ra phái sau lưng những vị tướng. Tổng thống Trump xuất hiện, phủ trên vai ánh nắng trưa, thông báo bước đi hạ nhiệt xung đột.