Giáo viên, thông dịch viên Shahram Mashaoodi cho biết ông và những người khác lo lắng về hành động trả đũa vụ tấn công vào căn cứ không quân al-Asad và một căn cứ quân sự khác ở Erbil.
“Tôi đã nghe Lãnh đạo Tối cao ám chỉ rằng đó là một cái tát vào mặt người Mỹ. Tôi nghĩ rằng điều đó là đủ rồi”, Mashaoodi nói trên đường tới một trường học ở ngoại ô thủ đô Tehran.
“Tôi hy vọng chiến tranh sẽ không nổ ra”, người giáo viên nói thêm. “Nếu điều này được giải quyết bằng con đường ngoại giao, tôi nghĩ sẽ tốt hơn. Bởi vì sau tất cả, người dân sẽ phải chịu thương tổn và đau khổ”.
Chính Mashaoodi cũng hoài nghi về tác động của các cuộc tấn công của Iran có đủ sức buộc quân đội Mỹ rời khỏi Iraq không.
“Họ nên rời đi nhưng họ sẽ không làm thế”, ông nói. “Họ đã chi hàng triệu đôla để xây dựng các căn cứ, cơ sở quân sự, tốn rất nhiều tiền. Tôi nghĩ họ sẽ tận dụng. Họ không bao giờ rời khỏi Iraq khi chưa đạt được mục tiêu của mình”.
Tên lửa của Iran trưng bày tại bảo tàng Cách mạng Hồi giáo và Bảo vệ Thánh ở Tehran. Ảnh: Getty. |
Giáo viên nhạc họa Solmaz Ghaznavi, người sống ở cả Iran lẫn Iraq khi còn nhỏ, cho biết cô rất lo lắng về tác động của bất kỳ cuộc xung đột Iran - Mỹ nào đối với trẻ em ở đất nước. “Nói chung, tôi phản đối bất kỳ cuộc chiến nào, bất kể nước nào là bên bắt đầu”, cô nói với CNN.
Saba Vosough, sinh viên ngành kỹ thuật dầu khí, nói rằng anh cũng phản đối chiến tranh và không chắc hai bên có tránh được xung đột hoàn toàn hay không.
“Cá nhân tôi phản đối chiến tranh vì người dân sẽ phải chịu đau khổ trước tiên”, Vosough chia sẻ. “Kể cả chiến tranh toàn diện hay quy mô nhỏ hơn, thì chúng ta đánh 2, họ sẽ đáp trả 4. Không thể nào dừng lại hẳn”.
Sinh viên ngành kế toán Rojan Parroulette cho rằng bất chấp sự khác biệt, công dân hai nước Mỹ, Iran vẫn có chung nguyện vọng: “Kể cả người Mỹ cũng nói rằng: ‘Không chiến tranh’. Họ không muốn chiến tranh, giống như cách người Iran cũng không muốn chiến tranh”.