Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết với 224 phiếu thuận, 194 phiếu chống, nhìn chung theo đảng phái, giữa lúc căng thẳng đang nóng sau khi Mỹ ám sát tướng Soleimani của Iran, dẫn đến việc Iran tấn công tên lửa hai căn cứ của Mỹ ở Iraq để trả đũa, theo NBC News.
Trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chỉ trích cuộc tấn công bằng drone của Mỹ tiêu diệt tư lệnh Iran, và nói nghị quyết này sẽ gửi thông điệp rõ ràng rằng ông Trump không nên có thêm động thái quân sự nhắm vào Iran mà không có chấp thuận từ Quốc hội.
“Tuần trước, theo quan điểm của chúng tôi, chính quyền đã có cuộc không kích mang tính gây hấn, không tương xứng nhắm vào Iran, đặt người Mỹ vào vòng nguy hiểm, và đã làm vậy mà không tham vấn Quốc hội”, bà Pelosi nói trong buổi họp báo hàng tuần.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong buổi họp báo hàng tuần ngày 9/1. Ảnh: AFP. |
Tổng thống có phải xin phép Quốc hội khi dùng vũ lực?
Nghị quyết gồm 5 trang mới được Hạ viện thông qua chỉ thị cho tổng thống dừng việc sử dụng quân đội để leo thang căng thẳng với Iran, trừ khi Quốc hội đã tuyên bố chiến tranh hoặc đã trao quyền một cách cụ thể, hoặc trừ khi vũ lực là cần thiết để bảo vệ nước Mỹ khỏi một cuộc tấn công cận kề.
Nghị quyết cũng công nhận chính phủ Iran là nước tài trợ khủng bố hàng đầu và tướng Soleimani là “kiến trúc sư trưởng” của hàng loạt hoạt động gây bất ổn trên toàn thế giới.
Nhưng phía đảng Dân chủ và phía chính quyền Tổng thống Trump đưa ra ý kiến trái chiều về hiệu lực pháp lý của nghị quyết.
Bà Pelosi nói nghị quyết trên “có sức nặng”, và lập luận vì đây là “nghị quyết đồng thời” (concurrent resolution), chứ không phải dự luật, nên Tổng thống Trump sẽ không thể phủ quyết.
Nghị quyết đồng thời là loại nghị quyết mà sau khi được cả hai viện Quốc hội thông qua sẽ không cần tổng thống ký phê chuẩn, khác với các dự luật cần phải đi qua cả Quốc hội lẫn Tổng thống.
Cũng chính vì vậy, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa bảo vệ tổng thống đã lập luận rằng nghị quyết này không có tính ràng buộc.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, nghị sĩ Kevin McCarthy, đảng Cộng hòa, bang California, bác bỏ lập luận của bà Pelosi, và nói “resolution” (nghị quyết) này chỉ có giá trị như “New Year’s resolution”, tức những quyết tâm mà người ta thường đặt ra cho bản thân vào năm mới nhưng rồi sớm bỏ cuộc.
Nhưng một cố vấn cao cấp của đảng Dân chủ lập luận thêm rằng Luật Quyền hạn Chiến tranh năm 1973 đã vạch ra các bước rõ ràng, khi quy định “lực lượng (vũ trang) phải được tổng thống rút đi nếu Quốc hội chỉ thị như vậy thông qua một nghị quyết đồng thời”. Như vậy, nghị quyết mới này đang áp dụng luật đã có từ 1973 vào trường hợp Iran.
Theo NBC, nghị quyết này thuộc loại “ưu tiên” (privileged), và vì vậy Thượng viện sẽ buộc phải bỏ phiếu đối với nghị quyết này hoặc một nghị quyết tương tự, vốn đã được Thượng nghị sĩ Tim Kaine, đảng Dân chủ, bang Virginia đề xuất. Đây là điểm khác biệt so với dự luật - Chủ tịch Thượng viện có thể quyết định có đưa dự luật ra bỏ phiếu hay không.
Luật Quyền hạn Chiến tranh năm 1973 quy định tổng thống Mỹ chỉ có thể đưa lực lượng vũ trang sang tham chiến ở nước ngoài nếu Quốc hội đã tuyên chiến, hoặc trong tình huống khẩn cấp.
Luật được đưa ra sau khi thông tin bị rò rỉ về việc Tổng thống Nixon bí mật thả bom Campuchia trong Chiến tranh Việt Nam mà không thông báo cho Quốc hội. Tổng thống Nixon ban đầu đã phủ quyết dự luật, nhưng Quốc hội đã vượt qua phủ quyết đó với việc thông qua bằng 2/3 số phiếu ở cả hai viện.
Lính nhảy dù của Quân đội Mỹ rời Fort Bragg, North Carolina, tới Trung Đông, ngày 5/1. Ảnh: Reuters. |
“Buổi thông báo tệ nhất tôi từng thấy”
Nhà Trắng phản ứng ngày 9/1 và gọi nghị quyết là “sai lầm”, và lập luận rằng tổng thống có quyền bảo vệ đất nước khỏi khủng bố.
Ông Trump kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa chống lại nghị quyết trên. “Không cần như vậy... vì phải quyết định rất nhanh”, ông trả lời ngày 9/1 khi được hỏi có cần xin phép Quốc hội nếu tiếp tục tấn công Iran hay không.
Nhưng ông vẫn nói: “Trong một số trường hợp, tôi cũng chẳng phiền gì chuyện xin phép”.
Các nghị sĩ Dân chủ đã yêu cầu chính quyền chia sẻ thông tin tình báo chứng tỏ vụ ám sát tướng Soleimani là nhằm ngăn cản các cuộc tấn công mà ông đã lên kế hoạch nhắm vào người Mỹ trong khu vực, như lý do mà Lầu Năm Góc đưa ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã có buổi thông báo với bà Pelosi và các nghị sĩ về vụ ám sát, nhưng nhiều nghị sĩ chưa hài lòng với các thông tin từ buổi thông báo trên.
Bà Pelosi nói chính quyền đã “thiếu tôn trọng khi không tham vấn Quốc hội” và “có thái độ gạt đi”.
“Đây có lẽ là buổi thông báo tệ nhất mà tôi từng thấy, ít nhất là trong vấn đề quân sự, trong cả 9 năm tôi phục vụ trong Thượng viện Mỹ”, Thượng nghị sĩ Mike Lee, đảng Cộng hòa, bang Utah, nói về buổi thông báo.
Sau vụ ám sát, phía đảng Dân chủ bày tỏ lo ngại chiến tranh với Iran, và cho rằng chỉ Quốc hội mới có thể tuyên chiến. Nhưng các quan chức chính quyền nói họ được phép dùng vũ lực, dựa vào sự cho phép năm 2002 của Quốc hội trong việc tiến hành cuộc chiến Iraq.
Bà Pelosi cho biết Hạ viện sẽ sớm cân nhắc đề xuất từ Hạ nghị sĩ Barbara Lee, đảng Dân chủ, bang California, nhằm hủy bỏ “giấy phép” dùng vũ lực mà Quốc hội trao cho chính quyền năm 2002.