Iran đang đưa ra những thông điệp trái chiều sau khi Tổng thống Trump tỏ ý muốn hạ nhiệt.
Một ngày sau phát biểu của Tổng thống Trump, tư lệnh của Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố rằng Iran sẽ sớm “trả thù mạnh hơn” sau khi Mỹ tấn công sát hại tướng Soleimani bằng drone. Nhưng một lãnh đạo khác của Iran lại nói vụ đáp trả vào căn cứ Mỹ không nhằm gây thương vong.
Biển quảng cáo có hình tướng Soleimani ở Tehran. Ảnh: New York Times. |
Thông điệp trái chiều từ Iran
Cái chết của tướng Soleimani, tư lệnh Lực lượng Quds, nhánh viễn chinh của Vệ binh Cách mạng Iran, đã gây phẫn nộ trên toàn Iran, dẫn đến lời kêu gọi trả thù rộng rãi.
Tổng thống Trump phát biểu sau vụ tấn công căn cứ Mỹ và nói không có thương vong lính Mỹ, và hai căn cứ Asad và Erbil, nơi đồn trú của hàng nghìn lính Mỹ và Iraq, bị thiệt hại rất ít.
Phát biểu ngày 8/1 của ông tạm thời ngăn các bên sa vào miệng hố chiến tranh, và mở ra cánh cửa đối thoại với Iran, dù ông vẫn kêu gọi các nước quay lưng với thỏa thuận hạt nhân và đe dọa áp thêm cấm vận lên Tehran.
Ngày 9/1, tư lệnh lực lượng không quân của Vệ binh Cách mạng, Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh nói vụ tấn công các căn cứ Mỹ ở Iraq chỉ là khởi đầu “một chiến dịch lớn” nhắm vào Mỹ. Trả lời phỏng vấn hãng tin Tasnim, ông nói vụ tấn công không nhằm gây thương vong, rồi lại nói “hàng chục người Mỹ đã chết hoặc bị thương”, trái ngược với tuyên bố của phía Mỹ, Iraq và các nước khác là không có người thiệt mạng.
Một tư lệnh cao cấp khác trong Vệ binh Cách mạng, Abdollah Araghi, ngày 9/1 cho biết quân đội Iran sẽ “trả thù mạnh mẽ hơn trong tương lai gần”, theo Tasnim.
Tổng thống Hassan Rouhani của Iran khi trao đổi với Thủ tướng Anh Boris Johnson sáng 9/1 đã cảnh báo các động thái trả đũa khác, theo văn phòng tổng thống.
“Nếu Mỹ tiếp tục tấn công, họ sẽ phải chịu đòn đáp trả rất nguy hiểm”, ông Rouhani nói.
Phó tư lệnh Vệ binh Cách mạng Ali Fadavi cũng thề sẽ trả đũa, theo hãng tin Tasnim.
“Cuộc tấn công này chỉ thể hiện một phần tiềm lực của chúng tôi”, Tướng Fadavi nói trong diễn văn ở tỉnh Isfahan miền trung Iran. “Không nước nào thực hiện bước đi táo bạo như vậy trước người Mỹ và chúng tôi đã làm vậy. Chúng tôi đã thả hàng chục tên lửa vào giữa căn cứ Mỹ ở Iraq và họ không làm gì nổi”.
Tư lệnh mới của Lực lượng Quds, Ismail Qaani, cấp phó lâu năm của ông Soleimani, ra thông báo ngày 9/1 cam kết sẽ tiếp tục những kế hoạch của ông Soleimani, với mục tiêu cuối cùng là lính Mỹ không còn trong khu vực.
Người kế nhiệm ông Soleimani, tướng Ismail Qaani, trong bức ảnh không rõ ngày tháng. Ảnh: Văn phòng Lãnh đạo Tối cao Iran. |
Quốc tế mong giải tỏa căng thẳng
Ngược lại, các lãnh đạo quốc tế mong muốn giải tỏa căng thẳng.
Tu sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite có ảnh hưởng của Iraq, Moktada al-Sadr, kêu gọi dân quân do Iran hậu thuẫn không tấn công thêm.
“Tôi kêu gọi các phe phái ở Iraq cân nhắc kỹ lưỡng, kiên trì, không có động thái quân sự, và dập tắt những tiếng nói cực đoan của những phần tử xấu cho tới khi mọi giải pháp chính trị, quốc hội và quốc tế đã được áp dụng”, Reuters dẫn lời ông al-Sadr.
Một số nhà phân tích nói có khả năng Iran tấn công thêm dù chính phủ nước này nói việc trả thù đã hoàn tất.
Sanam Vakil, học giả về Iran tại Chatham House, một viện nghiên cứu ở London, nói khả năng tấn công vẫn cao. Bà nêu ra những hoạt động leo thang của Iran trong những tháng qua để giành “lợi thế giới hạn” trong cuộc đối đầu dai dẳng với Mỹ về các lệnh cấm vận đã bóp nghẹt kinh tế Iran.
“Không có cơ chế xuống thang, các đợt leo thang căng thẳng mức thấp” như tấn công tên lửa từ các nhóm thân Iran, tấn công mạng hay đe dọa tàu bè qua vùng Vịnh “chắc chắn sẽ tiếp diễn trong những tháng tới, thậm chí qua kỳ bầu cử Mỹ”, bà viết trong một chuỗi tweet.
Hội đồng Bảo an đã cho biết sẽ họp ngày 9/1, và căng thẳng Mỹ - Iran nhiều khả năng sẽ chiếm lấy thời lượng thảo luận.
Mỹ gửi thư lên Hội đồng Bảo an ngày 8/1 giải thích lý do vụ tiêu diệt tướng Soleimani, gọi đó là hành động tự vệ. Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nước buộc phải báo cáo ngay lập tức lên Hội đồng Bảo an mọi biện pháp đã tiến hành với lý do tự vệ.
Trong thư, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft, nói Mỹ “sẵn sàng đối thoại vô điều kiện một cách nghiêm túc với Iran, với mục tiêu là ngăn những hành động của Iran gây hại tới hòa bình và ổn định hay leo thang căng thẳng”.
Liên minh châu Âu (EU) cam kết giữ vững thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Iran đã đạt được với Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức.
Charles Michel, Chủ tịch của Hội đồng châu Âu, tức cơ quan ra quyết định của EU, cho biết ông đã trao đổi với tổng thống Iran ngày 9/1, và “bày tỏ hy vọng sẽ không có các hành động gia tăng căng thẳng trong khu vực, căng thẳng sẽ được giảm đi”.