Động thái này được cho là sẽ khiến thỏa thuận năm 2015 tiến gần hơn tới bờ vực sụp đổ tiềm tàng và trở lại với các lệnh trừng phạt của EU đối với Iran.
“Vì những hành động của Iran, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là thể hiện những lo ngại về việc Iran không đáp ứng các cam kết theo JCPoA (thỏa thuận Iran) và nêu vấn đề này tới Ủy ban Hỗn hợp theo Cơ chế Giải quyết Tranh chấp, được nêu trong phần 36 của JCPoA”, ba quốc gia châu Âu nói trong một tuyên bố chung.
Giới chức từ các nước châu Âu nói trên mô tả động thái này là đáng tiếc hơn là tức giận và một phần nguyên nhân của nó xuất phát từ những lo ngại Iran có thể chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ có thể sở hữu năng lực phát triển bom hạt nhân.
Các lãnh đạo của Iran trong đám tang của tướng Qassem Soleimani. Ảnh: Getty. |
Các quan chức từ ba nước châu Âu cũng khẳng định quyết định này đã được nhất trí về nguyên tắc trước Giáng sinh và không phải do cuộc tấn công gần đây của Iran vào căn cứ Mỹ ở Iraq hay vụ bắn nhầm máy bay Ukraine của lực lượng quân sự quốc gia Cộng hòa Hồi giáo.
Theo Reuters, dù bộ tam các quốc gia châu Âu đã nhất trí kích hoạt Cơ chế Giải quyết Tranh chấp nhưng khẳng định rằng họ không tham gia chiến dịch của Mỹ nhằm gây áp lực tối đa lên Tehran.
Động thái này được đưa ra sau khi đài truyền hình nhà nước của Iran hôm 5/1 tuyên bố nước này không tiếp tục tuân thủ những giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân 2015 sau khi Mỹ sát hại chỉ huy hàng đầu của quân đội Iran - tướng Qassem Soleimani.
Dẫn lời Tổng thống Hassan Rouhani, truyền thông Iran xác nhận nước này không tiếp tục tuân thủ những giới hạn về làm giàu nhiên liệu hạt nhân, quy mô kho dự trữ uranium đã làm giàu và các hoạt động nghiên cứu, phát triển hạt nhân, theo AP.
Cũng trong ngày 5/1, Quốc hội Iraq bỏ phiếu tán thành nghị quyết kêu gọi chấm dứt hiện diện quân sự nước ngoài trên lãnh thổ, bao gồm cả 5.200 quân nhân Mỹ đang đồn trú hỗ trợ chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).