Ulchi Freedom Guardian (Người bảo vệ Tự do Ulchi) là cuộc tập trận quân sự quy mô lớn đầu tiên giữa các đồng minh kể từ khi Triều Tiên thử thành công 2 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 7 và đe doạ đưa Guam vào tầm ngắm của tên lửa đạn đạo tầm trung hồi đầu tháng.
Triều Tiên thường kịch liệt phản đối các cuộc tập trận Ulchi Freedom Guardian, xem đây là sự chuẩn bị cho việc xâm lược. Nước này từng phóng tên lửa và thực hiện nhiều hành động khác để bày tỏ sự giận dữ với các cuộc tập trận quân sự trong quá khứ.
Năm nay cũng không có gì khác. Hôm 21/8, truyền thông Triều Tiên lên tiếng chỉ trích Mỹ, gọi cuộc tập trận là “bước đi liều lĩnh”, như “đổ thêm dầu vào lửa” nhằm “kích động chiến tranh hạt nhân” và làm trầm trọng thêm tình hình trên bán đảo.
Rủi ro mỗi lần Mỹ - Hàn tập trận
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói các cuộc tập trận chung hoàn toàn mang tính phòng thủ và không nhằm mục đích gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
“Triều Tiên không nên phóng đại những nỗ lực của chúng ta nhằm gìn giữ hòa bình cũng như không nên sử dụng cuộc diễn tập như một cái cớ để khiêu khích và làm tình hình trầm trọng hơn”, ông Moon nói với các thành viên nội các.
Mỹ cũng mô tả các cuộc tập trận là để “tự vệ”, một cụm từ đã bị truyền thông Triều Tiên bác bỏ và cho là “dối trá”.
Binh sĩ Mỹ tham gia một cuộc tập trận bắn đạn thật ở gần thành phố cảng Pohang, phía đông nam Hàn Quốc. Ảnh: AFP/Getty. |
Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại chính của Triều Tiên, đã yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc hủy bỏ tập trận. Nga cũng yêu cầu ngừng các cuộc tập trận để đổi lại nhượng bộ về hạt nhân từ Bình Nhưỡng nhưng không được Mỹ chấp thuận.
Không giống cuộc tập trận thường niên quy mô lớn Foal Eagle (Đại bàng non), Ulchi Freedom Guardian chủ yếu bao gồm các mô phỏng trên máy tính nhằm nâng cao hoạt động chỉ huy, nhất là việc lập kế hoạch và ra quyết định chung.
Các cuộc tập trận đặc biệt bí mật này được cho là có sử dụng chiến trường giả lập cũng như ảnh vệ tinh để xác định vị trí của quân đội Triều Tiên. Ngoài 17.500 binh sĩ Mỹ và 50.000 binh sĩ Hàn Quốc, lực lượng quân đội Anh, Australia, Đan Mạch và Colombia dự kiến cũng sẽ góp mặt.
Theo AP, Triều Tiên không ưa các cuộc tập trận một phần là bởi nước này thường phải phản ứng lại bằng những lần phô diễn sức mạnh quân sự tốn kém.
Trong các cuộc tập trận năm ngoái, Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đầu tiên mà lãnh đạo Kim Jong Un sau đó ca ngợi là "trên cả thành công".
Không lâu sau đó, Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân lần 5 và cũng là lần thử nghiệm lớn nhất, trong đó nước này tuyên bố đã có đầu đạn “chuẩn” vừa với nhiều loại tên lửa.
Trong cuộc tập trận hồi tháng 3, Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa Scud tầm bắn mở rộng ra biển và gọi đây là cuộc diễn tập tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản.
Các khí tài quân sự được Triều Tiên phô diễn trong cuộc duyệt binh ngày 15/4. Ảnh: AFP/Getty. |
Tuy nhiên, trong cuộc tập trận lần này, một số chuyên gia nhận định Triều Tiên sẽ không làm cho mọi việc trở nên quá căng thẳng mà sẽ nhìn xa trông rộng hơn khi sử dụng tên lửa tầm xa mới để “tăng đô” trên bàn đàm phán với Mỹ.
Trong khi đó, số khác lại cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng cuộc tập trận làm cái cớ cho một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khác hoặc thậm chí thực hiện lời đe dọa tấn công Guam.
“Triều Tiên có lẽ đang xem xét tất cả quân bài đang có để tăng áp lực tối đa lên Mỹ và các cuộc tập trận cung cấp cơ hội tốt để thực hiện điều này”, Cheon Seongwhun, người từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, bình luận trên AP. Bởi vậy, ông Seongwhun cho rằng tập trận chung Mỹ - Hàn càng cần được củng cố.
Liên minh trắc trở vì mối đe dọa Triều Tiên
Trong một bài xã luận ngày 11/8, báo Kyunghyang Shinmun của Hàn Quốc cho rằng Mỹ và Hàn Quốc có thể thuyết phục Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán về hạt nhân bằng cách tạm dừng hoặc giảm các cuộc tập trận chung.
“Các cuộc tập trận Mỹ - Hàn không phải là lãnh địa bất khả xâm phạm”, báo này viết, đề cập tới việc Washington và Seoul đồng ý hủy bỏ cuộc tập trận Team Spirit quy mô lớn vào đầu những năm 1990 để khuyến khích Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Lập luận này không thuyết phục được phe bảo thủ ở Hàn Quốc. Mối lo chính của họ hiện giờ là một khi Triều Tiên hoàn thiện được ICBM, Mỹ sẽ phải cân nhắc về một hiệp định hòa bình với Bình Nhưỡng và rút hàng chục nghìn binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc.
Binh sĩ Mỹ đứng gác trước chiến đấu cơ Air F-16 ở Căn cứ Không quân Osan tại Hàn Quốc, ngày 10/1/2016. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người từng tha thiết kêu gọi đối thoại với Bình Nhưỡng, cũng yêu cầu các quan chức quân đội của ông sắp xếp các cuộc đàm phán với Mỹ để tăng giới hạn cho đầu đạn hạt nhân của nước này.
Gần đây, thủ tướng Hàn Quốc cũng nói về khả năng mua tàu ngầm hạt nhân để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Một số người thuộc phe bảo thủ còn mong muốn nhiều hơn khi kêu gọi Mỹ tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật từng bị rút khỏi Hàn Quốc vào những năm 1990.
Sau khi báo cáo tình báo của Mỹ trong tháng này cho biết Bình Nhưỡng giờ là mối đe dọa hạt nhân đối với nội địa Mỹ, thậm chí đã có một số lời kêu gọi Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình để ngăn chặn thảm họa.
Nhiều người ở Seoul tin rằng việc phát triển các tên lửa tầm xa của Triều Tiên có thể làm suy yếu cam kết an ninh của Mỹ với đồng minh lâu năm.
Để dẹp bỏ nghi ngờ và củng cố vị trí của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định cuộc tập trận lần này được tiến hành để đảm bảo quân đội Mỹ sẵn sàng bảo vệ Hàn Quốc và các đồng minh trong khu vực.
Tuy nhiên, số binh sĩ Mỹ tham gia tập trận năm nay đã giảm xuống còn 17.500 so với con số 25.000 quân vào năm ngoái, một động thái mà Tướng Mattis phủ nhận là có liên quan đến Bình Nhưỡng.