Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng Triều Tiên chuyển cho cơ quan vũ khí hóa học Syria bị chặn

Theo báo cáo của LHQ, trong 6 tháng qua đã có 2 chuyến hàng từ Triều Tiên tới một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hóa học của Syria bị chặn.

Ngày 22/8, Reuters cho biết báo cáo về những vi phạm lệnh trừng phạt của Triều Tiên do một nhóm chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc soạn thảo, đã được trình lên Hội đồng Bảo an trong tháng này. Báo cáo không đưa chi tiết về thời điểm và thời gian cụ thể các vụ ngăn chặn, cũng như những gì được chứa trong chuyến hàng.

"Ủy ban Liên Hợp Quốc đang điều tra cáo buộc về hợp tác vũ khí hóa học, tên lửa đạn đạo và vũ khí thông thường giữa Syria và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên", các chuyên gia cho biết trong báo cáo dài 37 trang.

Theo báo cáo, "hai quốc gia thành viên (LHQ) đã chặn các chuyến hàng đến Syria. Một quốc gia khác thông báo họ có lý do để tin các chuyến hàng này là một phần trong hợp đồng KOMID với Syria".

KOMID (Tập đoàn Phát triển Thương mại và Khai thác mỏ Triều Tiên) bị liệt vào danh sách “đen” của Hội đồng Bảo an từ năm 2009 và được xem là đơn vị chịu trách nhiệm mua bán và xuất khẩu các trang thiết bị liên quan tới tên lửa đạn đạo cũng như các loại vũ khí của Triều Tiên.

Tháng 3/2016, Hội đồng Bảo an cũng đã đưa hai đại diện của KOMID tại Syria vào danh sách “đen”.

"Các đơn vị nhận hàng là các công ty Syria bị Liên minh châu Âu và Mỹ xem là bình phong cho Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Khoa học Syria (SSRC)", báo cáo cho hay. Theo Ủy ban Liên Hợp Quốc, SSRC từng hợp tác với KOMID trong các vụ vận chuyển “hàng cấm” trước đây và là cơ quan giám sát chương trình vũ khí hóa học của Syria từ những năm 1970 đến nay.

Trieu Tien van chuyen vu khi den Syria anh 1
Tàu Triều Tiên chở vũ khí cũ không khai báo của Cuba bị bắt giữ ở Panama năm 2013. Ảnh: DPA.

Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho hay họ cũng đang điều tra về nghi vấn hợp tác giữa Syria và Triều Tiên trong chương trình tên lửa Scud, cũng như việc tu sửa và bảo dưỡng các hệ thống phòng không tên lửa đất đối không của Syria.

Kể từ 2006, Triều Tiên phải chịu các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc do chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Hội đồng Bảo an cũng đã tăng cường các biện pháp nhằm đối phó với 5 cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và 4 cuộc phóng tên lửa tầm xa gần đây của Bình Nhưỡng.

Syria đã nhất trí phá hủy các kho vũ khí hóa học của nước này từ năm 2013 theo thỏa thuận do Mỹ và Nga bảo trợ. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và giám sát viên vũ khí vẫn nghi ngờ chính quyền Damascus có thể vẫn đang bí mật duy trì và phát triển chương trình vũ khí hóa học mới.

Phái đoàn của Triều Tiên và Syria tại Liên Hợp Quốc chưa đưa ra phản ứng về thông tin này.

Hashtag tuần qua: Tên lửa Triều Tiên sôi sục châu Á - Thái Bình Dương Chương trình tên lửa của Triều Tiên đẩy căng thẳng tại khu vực lên nấc thang sôi sục chưa từng có sau khi Washington và Bình Nhưỡng đều đe dọa sẽ sử dụng vũ lực với đối phương.

Khó xác định số lượng đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên

Các cơ quan tình báo Mỹ đang không thống nhất về số lượng đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên khiến Washington gặp khó trong việc áp dụng một chính sách hiệu quả đối với Bình Nhưỡng.

Hoa Hạ

Bạn có thể quan tâm