Ngày 21/8, Tư lệnh Chiến dịch Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho biết ông đã ra lệnh cho tất cả các hạm đội của Hải quân Mỹ "ngưng tác chiến" trên toàn cầu để các chỉ huy thảo luận việc tăng cường an toàn trong hoạt động.
Ông cũng yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra toàn diện để tìm ra nguyên nhân các vụ đâm tàu gần đây của Hải quân Mỹ. Vị chỉ huy chiến dịch của Hải quân Mỹ không cho biết quá trình ngưng tác chiến sẽ kéo dài bao lâu.
Các chuyên gia cho rằng việc Hải quân Mỹ ngưng tác chiến toàn cầu dẫn đến lỗ hổng lớn về phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển. Việc ngưng hoạt động đúng vào thời điểm Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận thường niên mang tên “Người bảo vệ Tự do Ulchi” mà Triều Tiên luôn coi là “mối đe dọa xâm lược”.
Bình Nhưỡng cảnh báo rằng cuộc tập trận có thể dẫn đến “một giai đoạn không thể kiểm soát được trong cuộc chiến tranh hạt nhân”. Những chiến hạm Aegis ở Tây Thái Bình Dương là rất quan trọng để bảo vệ Mỹ và các đồng minh.
Lá chắn tên lửa Aegis BMD mất đi 2 sát thủ đắc lực sau vụ va chạm với tàu hàng. Ảnh: CNN. |
Theo CNN, Hải quân Mỹ đang triển khai 14 tàu chiến có trang bị hệ thống chiến đấu Aegis có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở Thái Bình Dương. Các tàu này chủ yếu đóng quân tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Như vậy, hạm đội chiến hạm Aegis của Mỹ sẽ mất đi 2 sát thủ đắc lực.
Mỗi tàu khu trục lớp Arleigh Burke được trang bị 90 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41. Ống phóng này có thể phóng nhiều loại tên lửa khác nhau. Trong đó, vũ khí đánh chặn chủ lực là tên lửa siêu hạng SM-3. Nó được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo từ bên ngoài khí quyển với tầm bắn 700 km, tầm cao 500 km với lô IA, lên đến 2.500 km, tầm cao 1.500 km với lô IIA.
Lá chắn Aegis BMD hoạt động dựa trên cảm biến chính là radar quét mạng pha điện tử thụ động AN/SPY-1D. Radar gồm 4 mảng ăng ten bố trí quanh tháp chỉ huy cho phép quan sát mục tiêu 360 độ. Radar có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo ở cự ly 300 km.
Minh họa cơ chế đánh chặn của hệ thống Aegis BMD. Đồ họa: Armourbook. |
Khi có tên lửa đạn đạo phóng lên, hệ thống thường nhận thông tin mục tiêu từ hệ thống radar và vệ tinh cảnh báo sớm. Sau đó, radar AN/SPY-1D sẽ theo dõi mục tiêu và tính toán giải pháp đánh chặn. Hải quân Mỹ thường sử dụng 2 tàu Aegis, trong đó một tàu theo dõi mục tiêu và tàu còn lại dẫn đường cho tên lửa đánh chặn.
Khi những chiến hạm này ngưng tác chiến, Mỹ không thể đánh chặn sớm tên lửa đạn đạo nếu Triều Tiên tiến hành một vụ phóng về đảo Guam như từng tuyên bố. Điều này dẫn đến bất lợi lớn về mặt chiến thuật, đặc biệt là khi đối phương phóng nhiều tên lửa cùng lúc.
Căn cứ đảo Guam được triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, tuy nhiên, hệ thống này được thiết kế để đánh chặn giai đoạn cuối cùng trong chuyến bay của tên lửa đạn đạo.
Nếu thất bại, không còn cơ hội để sửa sai, trong khi đó, hệ thống Aegis được thiết kế để đánh chặn giai đoạn đầu và giai đoạn giữa của chuyến bay, nên hiệu quả đánh chặn sẽ cao hơn. Nếu hệ thống trượt mục tiêu, vẫn còn thời gian cho các hệ thống khác.