Ngày 21/8, chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ gửi thêm 4.000 binh sĩ tới Afghanistan. Quyết định được đưa ra sau một mùa hè "đẫm máu" ở Afghanistan với hàng trăm người chết vì các vụ đánh bom tự sát nhằm vào đám tang và các ngân hàng.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, số thường dân thiệt mạng trong 6 tháng qua ở Afghanistan đã đạt mức kỷ lục trong 8 năm.
Hơn 15 năm sau ngày Mỹ bắt đầu Chiến dịch Hòa bình Bền vững để đáp trả cuộc khủng bố 11/9/2001, Taliban đang chiếm lại nhiều phần trên lãnh thổ Afghanistan và hầu như không có dấu hiệu dừng lại. Tính đến tháng 8/2016, chính phủ Afghanistan chỉ còn kiểm soát được 63,4% lãnh thổ.
Binh sĩ quân đội Afghanistan trong một buổi lễ giải trừ quân bị ở thành phố Gardez, thủ phủ tỉnh Paktia hồi năm 2003. Ảnh: Getty. |
16 năm và không hồi kết
Mỹ đưa quân đến Afghanistan lần đầu tiên vào ngày 7/10/2001. Chính quyền tổng thống George W. Bush cáo buộc chính quyền Taliban ở Afghanistan khi đó đã che giấu trùm khủng bố Osama bin Laden, thủ lĩnh al Qaeda và là người cầm đầu vụ khủng bố 11/9/2001 ở thành phố New York.
Taliban đề nghị giao Bin Laden ra, nhưng thông qua một nước thứ ba thay vì giao trực tiếp cho Mỹ. Washington từ chối đề nghị này và bắt đầu bằng các cuộc không kích từ trên cao lẫn tấn công dưới đất. Không lâu sau đó, các đồng minh của Mỹ cũng tham chiến.
Dù al Qaeda đã rút khỏi Afghanistan và Taliban bị lật đổ vào cuối năm 2001, cuộc chiến vẫn không thể kết thúc.
"Trọng tâm chuyển từ Afghanistan sang Iraq - và đó là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng", CNN dẫn lời ông Rodger Shanahan, một nghiên cứu viên tại Chương trình Tây Á của Viện Lowy tại Sydney (Australia).
"Bạn không thể cùng lúc chiến đấu trong 2 cuộc chiến ở 2 môi trường phức tạp như vậy. Có thể nói là cơ hội đã bị đánh mất".
Lúc tổng thống Barack Obama lên nắm quyền vào năm 2009 cũng là thời điểm Taliban tái tập hợp lực lượng. Đến cuối năm đó, các quan chức tình báo Mỹ công khai thừa nhận tình hình tại Afghanistan đã hỗn loạn trở lại. Obama đổ quân trở lại đây với số lượng binh sĩ Mỹ có lúc lên đến 100.000. Năm 2011, khi người Mỹ bắt đầu rút, Taliban vẫn chưa bị đánh bại.
Giờ đây, vào năm 2017 và dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ có khoảng 10.000 nhân sự đóng tại Afghanistan, phần lớn là nhân viên huấn luyện. Dù vậy, cuộc chiến vẫn chưa có lối thoát.
Số lượng lính Mỹ được điều đến Afghanistan trong 16 năm qua. Đồ họa: CNN. |
"Ngày nay, Taliban đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn so kể từ khi người Mỹ lật đổ họ vào năm 2002", Bill Roggio, biên tập viên của Long War Journal, trang tin tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, viết hồi tháng 4.
'Nếu không thể thắng, sao người Mỹ không về?'
Cuộc chiến Afghanistan đã tiêu tốn của chính phủ Mỹ khoảng 800 tỷ USD. Nếu tính thêm các chi phí hỗ trợ, chẳng hạn như chăm sóc cựu binh, con số có thể lên đến 1.000 tỷ USD.
Về nhân mạng, Afghanistan đã lấy mất của nước Mỹ hơn 2.000 binh sĩ, cùng với đó là hàng nghìn nhân sự của các lực lượng đồng minh và hàng chục nghìn thường dân, binh sĩ Afghanistan.
Với tất cả những tổn thất trên, câu hỏi thường xuyên được đặt ra là: Nếu đã không thể thắng, sao người Mỹ không rút về?
Một sĩ quan quân đội Mỹ đứng lớp dạy tiếng Anh ở căn cứ quân sự Bagram, Afghanistan. Ảnh: Getty. |
Ông Shanahan nói rằng một trong những lý do là Mỹ không muốn để lại khoảng trống cho các nhóm khủng bố lên kế hoạch và tiến hành các vụ tấn công, nhưng kịch bản đã xảy ra và dẫn đến vụ khủng bố 11/9/2001.
"Bạn cần phải phá hủy các yếu tố có thể tạo thành một nơi trú ẩn an toàn (cho khủng bố). Trong lúc thực hiện mục tiêu chiến lược đó, bạn cần phải xây dựng một chính phủ Afghanistan để có thể kiểm soát các khu vực mà nó cho là có chủ quyền", ông nói.
"Cuối cùng thì, nếu bạn đạt được mục tiêu thứ hai, bạn sẽ có luôn mục tiêu đầu tiên".
Trong khi đó, Hameed Hakimi, trợ lý nghiên cứu tại Chương trình châu Á của Viện Chatham House (trụ sở tại London) nói rằng quân đội Mỹ chỉ muốn 1 điều: "Những người ở Afghanistan sẽ nói rằng họ không muốn toàn bộ những năm qua bị phí hoài".
Thiệt hại về nhân mạng trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Đồ họa: CNN. |
'Không thể có chiến thắng'
Từ trước trước khi Tổng thống Trump quyết định điều thêm quân tới Afghanistan, ông Hakimi, người vừa có chuyến đi hồi đầu năm nay đến Kabul, đã nói rằng đang có một cảm giác lạc quan ở Kabul về ông Trump.
"Người ta trông đợi ông ấy sẽ giải quyết mọi thứ khác với Obama. Có một cảm giác ở Afghanistan rằng Obama đã quá cẩn trọng, quá chậm chạp", ông nói. Dù vậy, tổng thống mới không hẳn là chính sách sẽ khác hoàn toàn.
Ông Shanahan nói rằng đánh bại sự trỗi dậy của Taliban chỉ bằng các biện pháp quân sự là cực kỳ khó.
"Họ có những khu vực an toàn để di chuyển ra hoặc vào. Nếu bạn có những khu vực chuyển tiếp để tự do hành động, việc đó khiến cho công cuộc quét sạch sự nổi loạn là bất khả thi", ông nói. Theo ông, Taliban hoàn toàn có thể tràn qua bên kia biên giới với Pakistan và đợi chờ thời cơ để trỗi dậy trở lại ở Afghanistan.
Hàng hóa cứu trợ, lương thực được thả xuống một khu vực tại tỉnh Ghazni hồi tháng 5/2007. Ảnh: Getty. |
Ông Michael Kugelman, nhà nghiên cứu tại Chương trình châu Á của Trung tâm Woodrow Wilson (trụ sở ở Washington D.C.) nói rằng Tổng thống Trump không thể hy vọng "chiến thắng" ở Afghanistan.
"Điều tốt nhất chúng ta có thể chờ đợi là một kết cục được thỏa thuận, dù vậy, thật khó để tưởng tượng Mỹ, Afghanistan hay bất kỳ bên liên quan nào có đủ sức khuyến khích Taliban ngồi vào bàn đàm phán. Taliban đang giành nhiều chiến thắng lớn trên chiến trường. Sao lại từ bỏ chứ?", ông nói.
Dù vậy, ông Hakimi nói rằng đang có sự chia rẽ bên trong nội bộ Taliban, giữa những lãnh đạo lâu năm, những người vẫn còn nhớ nhung ngày tháng nắm quyền, và các chiến binh trẻ tuổi với những "cái đầu nóng"
"Bạn có thể thành công trong việc hàn gắn với những ông già - họ đã ở đó 20 năm rồi - nhưng câu chuyện sẽ khác nếu đó là một thanh niên với khẩu súng". Các chuyên gia cũng đồng ý rằng việc tăng cường lính Mỹ đến Afghanistan sẽ không thể là giải pháp.
"Bạn không thể kết thúc mọi việc bằng cách dồn người ta đến đường cùng", ông Hakimi nhận định.