Ngày 7/8, AFP dẫn báo cáo đăng trên tạp chí Y tế công cộng quốc tế cho thấy, các hành vi bạo lực bao gồm tự sát, giết người và tấn công tình dục đang gia tăng nhanh ở khu vực phía đông Địa Trung Hải, cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Khu vực này là nơi sinh sống của 600 triệu dân, bao gồm những quốc gia như Afghanistan, Iran, Saudi Arabia, Pakistan, Somalia, Sudan, Syria và UAE.
Trong năm 2015, gần 30.000 người trong khu vực đã tự tử, 35.000 người khác chết vì bạo lực giữa các cá nhân, "2 con số này tăng 100% và 152% so với 25 năm trước", báo cáo viết.
"Cùng khoảng thời gian này trên thế giới, số người chết vì tự sát tăng 19% và do bạo lực cá nhân tăng 12%".
"Tình trạng bạo lực khó cứu vãn đang tạo ra một 'thế hệ bị đánh mất' những trẻ em và thanh thiếu niên", ông Ali Mokdad, Giám đốc Sáng kiến Trung Đông tại Viện Dữ liệu và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc Đại học Washington, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
"Trung Đông có một tương lai tồi tệ, trừ khi chúng ta tìm được cách mang lại ổn định cho khu vực", ông Mokdad nói.
Bệnh nhân người Syria tại bệnh viện tâm thần Dar Al-Ajaza ở Aleppo. Các ca tử vong do tự sát đã tăng gấp đôi trong 25 năm qua trong khu vực . Ảnh: AFP/Getty. |
Các nước như Libya, Sudan và Yemen chỉ có 0,5 bác sĩ tâm thần trên 100.000 người, báo cáo cho biết. Tại các nước châu Âu, tỷ lệ này dao động từ 9 đến 40 bác sĩ trên 100.000 dân.
Báo cáo cũng phát hiện có sự gia tăng mạnh những triệu chứng tâm thần như trầm cảm, lo lắng, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt ở khu vực này. Trong khi đó, Trung Đông lại thiếu hụt trầm trọng những chuyên gia tư vấn, bác sĩ tâm thần và các nhà tâm lý học.
Các nhà nghiên cứu còn cho biết số lượng ca tự sát có thể chưa được thống kê hết, do các điều kiện văn hóa, xã hội và pháp luật của từng quốc gia.
Các dữ liệu được lấy từ những ước tính gần đây nhất trong Nghiên cứu thường niên toàn cầu về bệnh tật, thương tích và các yếu tố rủi ro (GDB). Nghiên cứu GDB thực hiện bởi 2.300 cộng tác viên tại 132 quốc gia, dựa trên các yếu tố bệnh tật, thương tích, tuổi tác, giới tính và dân số.