Đêm 21/6, Thái tử Mohammed bin Nayef bất ngờ được triệu tập đến gặp Quốc vương Salman bin Abdulaziz, tại tầng 4 của cung điện hoàng gia ở thánh địa Mecca.
Thái tử ngay sau đó bị giam giữ tại cung điện trong nhiều giờ. Sáng hôm sau, cả thế giới biết tin ông bị phế truất, tân Thái tử Saudi Arabia là con trai Quốc vương Salman, Mohammed bin Salman.
Cuộc đảo chính trong đêm
"Ta muốn cháu từ bỏ chức vị, vì cháu không nghe lời khuyên trong việc điều trị việc nghiện thuốc, để nó ảnh hưởng tới các quyết định của cháu", nguồn tin thân cận với Mohammed bin Nayef dẫn lời Quốc vương nói với ông trong đêm 21/6.
Trước đó, hàng loạt thành viên trong hoàng gia Saudi Arabia được thông báo về tình trạng nghiện thuốc giảm đau của Thái tử nhằm đưa ra kết luận cuối cùng: Thái tử không thể trở thành vua.
Mohammed bin Nayef trò chuyện cùng Đệ nhất phu nhân Melania Trump trong chuyến công du của ông Trump tới Saudi Arabia. Ảnh: Getty. |
Theo Reuters, 3 thành viên hoàng tộc và 4 quan chức Saudi Arabia xác nhận Mohammed bin Nayef đã rất bất ngờ khi bị Quốc vương yêu cầu rời bỏ chức vụ thái tử.
"Đó là cú sốc lớn. Nó là cuộc đảo chính, còn Thái tử thì không chuẩn bị điều gì", nguồn tin cho biết. Dù từng đưa ra những chính sách sai lầm như can thiệp vào Yemen hay cắt giảm hỗ trợ công chức, bin Nayaf không ngờ sẽ bị phế truất. Ông lập tức từ chối đề nghị của Quốc vương.
Chưa ai lên tiếng xác nhận thông tin bin Nayaf nghiện thuốc - lý do chính khiến ông bị phế truất. Một số người trong hoàng tộc từ chối trả lời chi tiết về vấn đề này. Điều chắc chắn duy nhất là sức khỏe của vị thái tử 57 tuổi ngày càng xấu sau khi một kẻ khủng bố al Qaeda tìm cách tấn công dinh thự của ông vào năm 2009.
Trong lúc Quốc vương thông báo về quyết định của mình tới các thành viên của Hội đồng Tận trung Saudi Arabia, Thái tử bin Nayaf bị giam giữ suốt đêm và không thể liên lạc với bất kỳ ai. Thậm chí, vệ sĩ của ông cũng bị thay thế.
"Vì tình trạng sức khỏe mà chúng ta đều biết, cậu ấy nên từ bỏ chức vụ và Mohammed bin Salman được chỉ định là người thay thế", Quốc vương nói rõ.
Sứ giả đến từng nhà của các thành viên thuộc Hội đồng Tận trung nhằm thu thập chữ ký của họ. Kết quả, 31/34 người đồng ý phế truất Thái tử Mohammed bin Nayef và đưa bin Salman lên thay thế.
Sáng hôm sau, bin Nayef gặp Quốc vương và đồng ý từ bỏ ngôi vị thái tử. Khi rời cung điện, ông bất ngờ gặp em trai bin Salman. Họ chào và ôm hôn nhau trong lúc hàng loạt máy quay ghi lại khoảnh khắc lịch sử.
Đây không chỉ là kết quả từ sự cứng rắn của Quốc vương Salman, mà còn đến từ những nỗ lực đánh bóng hình ảnh của tân thái tử trong nhiều năm qua.
'Trò chơi vương quyền'
Đồn đoán về kế hoạch phế truất Thái tử xuất hiện từ năm 2015, khi tòa án do bin Nayef đứng đầu được hợp nhất với tòa án của Quốc vương Salman.
Trong khi đó, Mohammed bin Salman nỗ lực đánh bóng hình ảnh của bản thân bằng hàng loạt chuyến công du tới Trung Quốc, Nga, Mỹ. Vị hoàng tử 30 tuổi gặp Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook, và ăn tối cùng Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.
Tân Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters. |
Ngay khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ, Hoàng tử bin Salman tìm mọi cách kết nối với Washington nhằm đối trọng với sự ủng hộ bin Nayef có được trong nhiều năm qua.
Một số nguồn tin cho biết tân thái tử thiết lập mối quan hệ thân thiết với con rể, đồng thời là cố vấn của ông Trump, Jared Kushner.
Việc Tổng thống Trump chọn Saudi Arabia là nước đầu tiên ông đến thăm trên cương vị tổng thống Mỹ đã củng cố vai trò của quốc gia Hồi giáo này tại Trung Đông và làm "bằng chứng" cho sự thành công của bin Salman.
Đồng thời, hoàng tử trẻ tuổi còn đưa ra kế hoạch Tầm nhìn 2030, với tham vọng giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của nền kinh tế Saudi Arabia và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Những người yêu mến tân thái tử cho rằng ông là người nhìn xa trông rộng. Kế hoạch tới năm 2030 nhận được sự ủng hộ của 2/3 số lượng thanh niên dưới 30 tuổi ở Saudi Arabia.
Một quan chức trong chính phủ Mỹ khẳng định Nhà Trắng đã biết thông tin Quốc vương Saudi Arabia yêu mến bin Salman và muốn con trai nối ngôi. Tuy nhiên, mọi việc đến quá nhanh so với dự đoán.
Quốc vương Salman đã có kế hoạch nhường ngôi cho con trai. Ảnh: Life-in-saudiarabia. |
Sau khi bị phế truất, Mohammed bin Nayef trở về cung điện ở thành phố Jidda gần Biển Đỏ. Ông được lệnh phải ở trong cung điện và không được phép ra ngoài.
Quốc vương và tân thái tử không cho phép bất cứ ai gặp gỡ thái tử bị phế truất. Người duy nhất bin Nayef gặp là mẹ ông, dưới sự giám sát chặt chẽ của cận vệ mới do Quốc vương chỉ định.
Cũng bị giam giữ tại nhà còn có Tướng Abdulaziz al-Huwairini, một người thân cận với bin Nayef và có nhiều đóng góp vào mối quan hệ an ninh giữa Saudi Arabia và Mỹ.
Điều này khiến Washington lo lắng khi nó có thể ảnh hưởng tới việc chia sẻ thông tin tình báo giữa 2 nước. Tuy nhiên, Saudi Arabia cho biết ông Huwairini vẫn đang thực hiện nhiệm vụ được giao, dưới sự kiểm soát của tân thái tử Mohammed bin Salman.
Quan chức Mỹ khẳng định vụ việc lần này khiến nhiều người trong hoàng tộc không hài lòng. Tuy nhiên, hiếm ai dám hành động trái lại mong muốn của Quốc vương.
Cả Quốc vương Salman và con trai ông đều không có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Họ luôn tham dự sự kiện này trong 3 năm trước đó. Điều này khiến nhiều người cho rằng những bất đồng trong hoàng tộc sau vụ phế truất vừa qua khiến Quốc vương phải ở lại cung điện. Đồng thời, ông cũng không muốn đối mặt với chỉ trích sau vụ "từ mặt" Qatar suốt hơn một tháng qua.
Nguồn tin từ Saudi Arabia tiết lộ hồi đầu tháng 7, Quốc vương Salman đã quay một đoạn video thông báo về việc truyền lại ngôi báu cho con trai. Video này có thể được công bố bất cứ khi nào, đánh dấu sự lên ngôi của một trong những quốc vương trẻ nhất trong lịch sử Saudi Arabia.