Washington Post dẫn ba nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố kế hoạch này tại cuộc họp G7 ở Anh trong tuần này.
Trước đó, khi lên máy bay Air Force One tới châu Âu hôm 9/6, tổng thống Mỹ cho biết sẽ công bố chiến lược vaccine toàn cầu của mình.
Hiện Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này của Washington Post. Hãng dược phẩm Pfizer cũng chưa đưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Nhân viên y tế chuẩn bị một mũi tiêm vaccine Covid-19 của hãng Pfizer - BioNTech. Ảnh: AFP. |
Theo Reuters, 500 triệu liều vaccine này sẽ được gửi cho gần 100 quốc gia trong vòng hai năm tới thông qua cơ chế COVAX. Trong đó, 200 triệu liều sẽ được phân phối trong năm nay và 300 triệu liều còn lại sẽ được gửi đến 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn và Liên minh châu Phi trong nửa đầu năm 2022.
Điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zient và nhóm đặc nhiệm chống Covid-19 của chính quyền Biden đã đàm phán về thỏa thuận chia sẻ vaccine này trong 4 tuần qua. Hôm 9/6, CNBC đưa tin Mỹ cũng đang thảo luận về việc mua thêm vaccine của hãng Moderna để đóng góp cho các quốc gia khác.
Chính quyền Biden trước đó tuyên bố sẽ chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine Covid-19 với các nước trên thế giới cho đến cuối tháng 6.
Vấn đề thu hẹp khoảng cách giữa chương trình tiêm chủng của các nước và biện pháp chấm dứt Covid-19 sẽ là trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tuần này.
Trước thềm cuộc họp, chiến lược chia sẻ vaccine của Tổng thống Biden là tâm điểm chú ý ở cả trong và ngoài nước.
Cho đến nay, các quốc gia trên thế giới vẫn chưa hợp lực đủ để thu hẹp khoảng cách trong chương trình tiêm chủng này. Tại Mỹ và Anh, hơn 50% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, trong khi con số này ở các nước châu Phi chưa đến 2%.
COVAX đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng cho 20% dân số toàn cầu. Cho đến nay, COVAX đã cung cấp 81 triệu liều cho 129 quốc gia.