Nguyên nhân tình trạng này một phần do quyết định của chính phủ Mỹ hồi tháng 4 tạm ngừng cấp phép tiêm chủng đối với vaccine của Johnson & Johnson để đánh giá nguy cơ gây ra tình trạng cục máu đông, Wall Street Journal ngày 8/6 đưa tin.
Quyết định nói trên khiến các nhà sản xuất cũng như chính quyền nhiều tiểu bang hủy bỏ việc tiêm chủng bằng vaccine của Johnson & Johnson. Bên cạnh đó, quyết định cũng khiến người dân ở nhiều khu vực hoài nghi về hiệu quả của loại vaccine này.
Nhiều bệnh viện cũng như cơ quan y tế các tiểu bang đang chạy đua thúc đẩy người dân lựa chọn vaccine của Johnson & Johnson để giải phóng số vaccine tồn đọng trước khi hết hạn sử dụng.
Hàng triệu liều vaccine của Johnson & Johnson ở Mỹ sắp hết hạn mà chưa được sử dụng. Ảnh: Shutterstock. |
Ở một số nơi, vaccine được tái phân phối ra bên ngoài hệ thống tiêm chủng chính thức, các văn phòng bác sĩ tư nhân hoặc các hiệu thuốc.
Mặc dù vậy, nỗ lực giải phóng kho vaccine Johnson & Johnson sắp hết hạn không thu được nhiều thành công bởi tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đang chậm lại, cũng như số lượng dư thừa loại vaccine này ở hầu hết tiểu bang.
Đến nay, mới chỉ hơn 50% trong tổng số 21,4 triệu liều vaccine Johnson & Johnson phân phối ở Mỹ đã được sử dụng. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với vaccine của Pfizer và Moderna là 83%.
Vaccine của Johnson & Johnson được giữ trong trạng thái đóng băng cho tới khi được chuyển giao cho chính phủ. Kể từ thời điểm rã đông, vaccine của Johnson & Johnson có thể được bảo quản lạnh trong 3 tháng. Nhà sản xuất cho biết đang nghiên cứu khả năng kéo dài thời gian tuổi thọ của vaccine này.
Đa phần các loại thuốc và vaccine vẫn có thể phát huy hiệu quả sau thời điểm hết hạn sử dụng, tuy nhiên công dụng của chúng sẽ dần giảm xuống.