Cuối tuần qua, bác sĩ Jeremy Fraust có một ngày làm việc yên bình khi phòng cấp cứu tại nơi ông làm việc, Bệnh viện Bringham and Womens's ở thành phố Boston, bang Massachusetts, không phải tiếp nhận bất cứ bệnh nhân Covid-19 nào trong hai ca trực liên tiếp. Đó là lúc vị bác sĩ nhận ra đại dịch Covid-19 đã sắp qua, theo AP.
Kerry LaBerbera, y tá tại đơn vị cấp cứu ở Trung tâm Y tế Boston, cũng có một ngày làm việc cuối tuần tương tự. Đơn vị cấp cứu của bà, một trong những cơ sở y tế bận rộn nhất miền Đông Bắc, chỉ tiếp nhận 2 bệnh nhân Covid-19.
Massachusetts cùng các tiểu bang khác ở miền Đông Bắc, nơi tốc độ tiêm chủng thuộc nhóm nhanh nhất của Mỹ, đang trở thành một hình mẫu mới, mở ra cho xứ cờ hoa con đường thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Các chỉ số giảm đều
Với hơn 60% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine, sáu bang ở miền Đông Bắc đang chứng kiến số ca mắc mới, số ca nhập viện cũng như tử vong vì Covid-19 giảm đều đặn.
Ở Massachusetts, các quan chức y tế tuần qua kết luận không thành phố, thị trấn nào có nguy cơ lây lan dịch bệnh ở mức cao. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020 giới chức bang này ra kết luận như vậy.
Tại Rhode Island, số người nhập viện vì virus corona ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng.
Ở Vermont, nơi 70% dân số được tiêm chủng, bang này không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào vì Covid-19 trong 2 tuần.
"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi đáng kinh ngạc chỉ trong thời gian ngắn", bác sĩ Tim Lahey, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Đại học Y tế Vermont, cho biết.
Một điểm tiêm chủng ở Boston, bang Massachusetts. Ảnh: AP. |
Các chuyên gia y tế nhận định phần còn lại của đất nước, cũng như các quốc gia khác, có thể học được bài học từ khu vực Đông Bắc nước Mỹ trong nỗ lực tiêm chủng, để có thể sớm thoát khỏi đại dịch.
Một trong những chiến lược hợp lý mà chính quyền các bang ở miền Đông Bắc triển khai là thay vì tiêm chủng tràn lan cho những người đủ điều kiện, họ tập trung vaccine trước tiên vào những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thomas Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết các tiểu bang này cũng thực hiên theo khuyến nghị không vội vã mở cửa lại nền kinh tế. Vùng Đông Bắc là nơi nền kinh tế hứng chịu tổn thất nghiêm trọng vì dịch bệnh.
Ngoài ra, những số liệu lạc quan về dịch bệnh cũng xuất phát từ thời tiết ấm áp hơn ở miền Đông Bắc. Điều này cho phép người dân tham gia các hoạt động ngoài trời, thay vì tổ chức tụ tập trong nhà - nơi virus corona có nguy cơ lây lan mạnh hơn.
Vẫn còn những lo ngại
Trên phạm vi toàn quốc, số ca mắc Covid-19 trung bình mỗi ngày đã giảm xuống còn khoảng 15.000. Số người tử vong mỗi ngày cũng giảm chỉ còn khoảng 430 - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Trong khi số bệnh nhân Covid-19 giảm mạnh, các bệnh viện ở miền Đông Bắc lại đang bận rộn hơn bao giờ hết, bởi bệnh nhân mắc các loại bệnh khác quay trở lại chăm sóc y tế sau một năm bị Covid-19 cản trở.
Bác sĩ Katherine Barnett, trưởng Khoa Y tế Gia đình tại Trung tâm Y tế Boston, cho biết bà cảm thấy được "tiếp thêm năng lượng" khi gặp lại những bệnh nhân quen thuộc. Nhưng không ít bệnh nhân của bà Barnett cần chăm sóc đặc biệt sau một năm không được điều trị phù hợp.
"Chắc chắn mọi người đều cảm thấy có một chút giải tỏa. Chúng tôi đã vượt qua một cuộc chạy đua (với Covid-19), nhưng giờ vẫn còn chặng đường dài phía trước để có thể giúp mọi người khỏe mạnh trở lại", bác sĩ Barnett nói.
Paul Murphy, y tá tại Bệnh viện Brigham and Women’s, cho biết nhiều đồng nghiệp của ông mệt mỏi và kiệt sức sau một năm làm việc quá tải. Vì thế, nhiều bệnh nhân tại đây phải chờ hàng giờ đồng hồ trước khi được thăm khám.
Người dân tụ tập đông nghẹt tại bãi biển ở phía nam thành phố Boston hôm 5/6. Ảnh: AP. |
Dù vậy, ông Murphy cho biết ít nhất cũng đã qua rồi những tuần phải làm việc 50 tiếng vì đại dịch Covid-19. Giờ đây, ông có thể dành thời gian cho gia đình và người thân.
Bác sĩ Jeremy Faust thì tiết lộ ông dành gần như cả một ngày nghỉ để ngủ mà không phải lo lắng - điều mà các nhân viên y tế tuyến đầu chỉ dám mơ trong những ngày đại dịch ở cao điểm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế cho biết vẫn tồn tại khoảng cách tiêm chủng về mặt sắc tộc ở miền Đông Bắc - cũng như mọi nơi khác ở nước Mỹ - và đây là dấu hiệu đáng lo ngại
Tuần qua, bác sĩ Ashish Jha, lãnh đạo Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown ở Providence, Rhode Island, chỉ ra sự tương phản giữa tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Springfield - một trong những thành phố nghèo và đa dạng sắc tộc nhất của Massachusetts, với Newton - vùng ngoại ô giàu có mà đa phần là người da trắng. Gần như mọi người dân ở Newton đã được tiêm chủng.
"Vì thế, một bang có tỷ lệ tiêm chủng cao không có nghĩa là công việc đã hoàn tất. Trên khắp nước Mỹ, còn rất nhiều người, cộng đồng dân cư chưa thể tiếp cận vaccine", bà Jha cho biết.
Giống như nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ Jeremy Faust thừa nhận tốc độ tiêm chủng chậm có thể khiến nước Mỹ, cũng như mọi quốc gia khác, có nguy cơ đối mặt những chủng virus đột biến mới, nguy hiểm hơn.
"Sẽ rất may rủi nếu chúng ta tiếp tục để virus lây lan cho quá nhiều người. Đó là điều khiến tôi vẫn mất ăn mất ngủ", bác sĩ Faust cảnh báo.