Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bộ ba thúc đẩy Australia cứng rắn với Trung Quốc

Ba nhân vật chủ chốt phía sau chính sách ngày càng quyết liệt của Australia với Trung Quốc là những chính trị gia cứng rắn, dày dạn kinh nghiệm tại các cơ quan tình báo.

doi dau australia trung quoc anh 1

Cover

Trong quan hệ ngày càng nhiều va chạm với Trung Quốc, Thủ tướng Scott Morrison không ít lần khẳng định lợi ích quốc gia của Australia là kim chỉ nam cho các sách lược của Canberra.

Để xác định những lợi ích ấy là gì, nội các của Thủ tướng Morrison dựa vào một danh sách các cố vấn và quan chức thiên về an ninh quốc gia, cũng như nổi tiếng với lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, theo South China Morning Post.

Những gương mặt chủ chốt đang định hình chính sách của Australia với Trung Quốc gồm Giám đốc Văn phòng Tình báo quốc gia Andrew Shearer, Cố vấn Văn phòng Thủ tướng và Nội các Nick Warner, hay Justin Bassi - chánh văn phòng của Ngoại trưởng Marise Payne.

doi dau australia trung quoc anh 2

Chính quyền Thủ tướng Scott Morrison đang ngày càng cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Bộ ba "diều hâu"

Trước khi ngồi vào ghế Giám đốc Văn phòng Tình báo quốc gia, Andrew Shearer từng là cố vấn an ninh quốc gia của hai cựu Thủ tướng Tony Abbott và John Howard, sau đó là ghế chánh Văn phòng Nội các.

Ông Shearer từ lâu thể hiện quan ngại với ý đồ chiến lược của Trung Quốc, và quan điểm của ông giờ được chấp nhận rộng rãi ở Canberra.

Ngay từ 2010, ông Shearer gióng lên hồi chuông cảnh báo và cho rằng Canberra cần cảnh giác với động cơ phía sau những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc trong những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược của Australia.

Đến năm 2018, Canberra bắt đầu hành động theo hướng đi mà ông Shearer đề xuất. Sau khi cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G, Australia xem xét lại một loạt các dự án đầu tư, hợp tác của chính quyền các tiểu bang với Trung Quốc.

Là một chuyên gia nhiều năm làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, ông Shearer ủng hộ mạnh mẽ hợp tác với Mỹ cũng như các quốc gia có chung lập trường, nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

doi dau australia trung quoc anh 3

Giám đốc Văn phòng Tình báo quốc gia Andrew Shearer. Ảnh: AFP.

Năm 2017, ông Shearer từng chỉ trích việc cựu Thủ tướng Kevin Rudd rút Australia khỏi đối thoại an ninh Bộ Tứ, quyết sách khi đó được coi là một cử chỉ thể hiện thiện chí với Bắc Kinh.

"Rudd - một chuyên gia thực thụ về Trung Quốc - đáng lẽ nên hiểu giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không xem trọng sự yếu đuối hay những nhượng bộ vô cớ", ông Shearer nhận xét.

Ông Shearer được miêu là người "tin tưởng mạnh mẽ vào liên minh với Mỹ cũng như các biện pháp quyết liệt củng cố sự can dự của Mỹ ở khu vực, trong đó có Bộ Tứ".

"Ông ấy là một chính trị gia bảo thủ rất được tin cậy. Đánh giá của ông ấy rất được tôn trọng trong vòng thân cận (của Thủ tướng Morrison)", John Blaxland, giáo sư Đại học Quốc gia Australia, nhận xét.

Nick Warner - người từng là đại sứ Australia tại Iran và tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Bí mật - hiện đảm nhiệm chức Cố vấn Văn phòng Thủ tướng và Nội các. Ông được xem là nhân vật then chốt xây dựng chính sách với Trung Quốc.

Giáo sư Blaxland miêu tả ông Warner là người "mềm mỏng và ít cứng nhắc hơn" so với các đồng nghiệp như Shearer, dù chính trị gia này có kinh nghiệm dày dạn về tình báo.

Trong khi đó, Justin Bassi, cựu cố vấn an ninh quốc gia và cũng từng có kinh nghiệm tại Văn phòng Tình báo Quốc gia, được đánh giá có quan điểm "diều hâu" chống Bắc Kinh. Ông Bassi cũng được nhận xét là tiếng nói đầy ảnh hưởng bởi có quan hệ mật thiết với giới chức ngoại giao hàng đầu của Australia.

doi dau australia trung quoc anh 4

Cố vấn Văn phòng Thủ tướng và Nội các Nick Warner. Ảnh: AFP.

Một cựu quan chức cấp cao giấu tên cho biết hai ông Shearer và Bassi đều "có cách tiếp cận về vấn đề an ninh quốc gia rất cứng rắn", cũng như nhận thức mạnh mẽ về lợi ích quốc gia của Australia.

Quan chức này đồng thời nhận định ba cái tên Shearer, Warner và Bassi là những nhân vật giàu ảnh hưởng, đóng vai trò chủ chốt nhất "định hình lập trường của chính phủ Australia về khu vực cũng như các thách thức mà Trung Quốc mang đến".

Australia sẽ ngày càng mạnh tay?

Dù không cần bàn cãi về vai trò của những chính trị gia cứng rắn với Bắc Kinh ở Canberra lúc này, một số quan điểm lại chia rẽ về mức độ ảnh hưởng của họ đối với lập trường ngày càng quyết liệt của Australia với Trung Quốc, xét tới chính sách đối ngoại ngày một hung hăng của cường quốc Đông Á.

Shearer, Warner và Bassi không phải là những tiếng nói ngoại lệ trong giới hoạch định chính sách đối ngoại của Australia. Lúc này, đang tồn tại "đồng thuận rộng rãi" về cách Canberra nên xử lý quan hệ với Bắc Kinh.

"Từ phía Australia, quan điểm chung là sự lo ngại đối với tham vọng của Trung Quốc ở khu vực, cách nước này triển khai chính sách đối ngoại, cách Trung Quốc thúc đẩy các lợi ích của họ ở khu vực", cựu quan chức giấu tên của Australia cho biết.

doi dau australia trung quoc anh 5

Australia đang tham gia ngày càng sâu rộng sáng kiến Bộ tứ cùng Mỹ, Nhật và Ấn Độ nhằm đối trọng với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Không dừng lại ở đó, hoạt động của Trung Quốc ở Australia, từ can thiệp trên không gian mạng tới lan truyền thông tin sai sự thật, và nay là khác biệt về hệ giá trị ngày một lớn, cũng là điều khiến Canberra lo ngại.

Sự nổi lên của các quan điểm chống Trung Quốc vừa là động lực, vừa phản ánh cái nhìn đã thay đổi của Canberra với Bắc Kinh.

"Lập trường cứng rắn với Trung Quốc ngày càng được củng cố. Họ theo dõi những báo cáo mật về kết quả từ chính sách hung hăng của Trung Quốc đối với đời sống chính trị, kinh tế của Australia. Giờ đây Canberra đang đáp trả, và họ rất kiên quyết", ông Blaxland bình luận.

Ngoài ba cái tên Shearer, Warner và Bassi, những tiếng nói kêu gọi Canberra có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Mike Pezzullo, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Hastie, hay Viện Chính sách Chiến lược Australia.

Trong Quốc hội Australia, có thể kể tới những gương mặt như Thượng nghị sĩ James Peterson, Thượng nghị sĩ Kimberley Kitching của đảng Lao động đối lập, Hạ nghị sĩ Tim Wilson, hay Hạ nghị sĩ Ted O'Brien - một nhân vật có thể nói tiếng Quan thoại và từng kêu gọi Canberra liên kết với các nước nhằm chống lại chính sách bắt nạt về kinh tế của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại Australia đang quá vội vã khi thúc đẩy chính sách cứng rắn với Trung Quốc, khi so sánh với các quốc gia khác, trong đó có cả Mỹ - đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của Bắc Kinh.

James Curran, cựu quan chức chính phủ hiện là giáo sư sử học tại Đại học Sydney, cho rằng lập trường của Canberra hiện là sự kết hợp giữa "những hoài nghi về quyết tâm của Mỹ ở châu Á" và thổi phồng quá đáng "đe dọa" mà Trung Quốc mang lại.

"Hai yếu tố ấy đang cùng song hành. Thủ tướng Morrison nói về 'hòa bình' trong các phát biểu, nhưng khái niệm ấy chìm nghỉm trước thái độ của các bộ trưởng, các quan chức và giới nghị sĩ. Ông Morrison thực sự có nguy cơ mất kiểm soát với chính sách Trung Quốc của mình", giáo sư Curran cảnh báo.

Trong khi đó, một số nhà quan sát và cựu quan chức cho rằng các cơ quan tình báo và an ninh quốc gia Australia đang ngày càng có ảnh hưởng lớn trong hoạch định chính sách với Trung Quốc, trong khi Bộ Ngoại giao và Thương mại lại mất đi tiếng nói để cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh.

Trung Quốc - Australia căng thẳng, blogger lo bị kết án

Yang Hengjun, blogger Australia bị Trung Quốc bắt giữ năm 2019, lo ngại căng thẳng chính trị giữa hai nước có thể ảnh hưởng xấu đến vụ án đang được xét xử.

Lưỡng đảng Mỹ bất đồng mọi vấn đề, nhưng thống nhất về cái hàng rào

Thành viên hai đảng Dân chủ - Cộng hòa đều muốn sớm dỡ bỏ hàng rào bao quanh Điện Capitol, nhưng vẫn còn đó những lo ngại về an ninh sau vụ bạo loạn 6/1.

Quân đội Trung Quốc dùng AI để theo dõi UFO

Các nhà khoa học của quân đội Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và phân tích các vật thể bay không xác định xuất hiện ở nước này.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm