Đồ họa phương tiện bay siêu thanh DF-ZF của Trung Quốc. Ảnh: Nhân dân nhật báo |
Washington Free Beacon ngày 4/5 cho biết, Ủy ban Quân vụ Hạ viện đang xem xét sửa đổi dự luật quốc phòng để yêu cầu và cấp kinh phí cho chương trình đánh chặn tên lửa siêu thanh.
Dự luật kêu gọi xây dựng một chương trình chuyên dụng để đối phó với các phương tiện bay tốc độ cao, cơ động nhanh. Dự án có thể hợp tác với các đơn vị khác hoặc các quốc gia đồng minh. Kế hoạch được đề xuất sau khi Nga, Trung Quốc đạt được bước tiến đột phá trong các thử nghiệm vũ khí siêu thanh.
Việc sửa đổi là một phần trong kế hoạch của Ủy ban Quân vụ Hạ viện về tranh luận ngân sách quốc phòng năm 2017 trị giá khoảng 610,5 tỷ USD. Nghị sĩ Trent Franks (Đảng Cộng hòa), người ủng hộ sửa đổi cho biết, ông lo lắng trước tốc độ phát triển vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc.
“Kỷ nguyên siêu thanh đang ở phía trước. Nó buộc người Mỹ không chỉ cạnh tranh mà phải vượt trội trong lĩnh vực này, vì kẻ thù của chúng ta đang nắm giữ công nghệ này và phát triển nó một cách hiệu quả”, nghị sĩ Franks nói trong một cuộc phỏng vấn.
Ảnh đồ họa vũ khí laser tiêu diệt máy bay không người lái. Ảnh: Lockheed Martin |
Franks là thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện. Ông ủng hộ mạnh mẽ việc phòng thủ tên lửa và cho biết, việc sửa đổi là cần thiết để hỗ trợ Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) trong bối cảnh giảm ngân sách quốc phòng.
Ông nói rằng, cách nhanh nhất để Lầu Năm Góc đối phó với phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc là phát triển phiên bản nâng cấp của hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD, tiếp đến là phát triển vũ khí laser để phá hủy tên lửa siêu thanh.
Larry Wortzel, cựu sĩ quan tình báo về các vấn đề Trung Quốc cho biết, Moscow và Bắc Kinh đang đạt được nhiều tiến bộ trong các chương trình tên lửa tốc độ cao. “Phương tiện bay siêu thanh là lĩnh vực mà Nga và Trung Quốc tiến bộ hơn so với Mỹ”.
Ngoài việc phát triển vũ khí đánh chặn phương tiện bay siêu thanh, dự luật quốc phòng mới còn yêu cầu MDA phát triển phòng thủ tên lửa trong vũ trụ, bao gồm hệ thống đánh chặn tên lửa triển khai trên vệ tinh.
Phó đô đốc James Syring, giám đốc MDA, thừa nhận trong một phiên điều trần gần đây rằng: “MDA không có chương trình dành cho việc đối phó với mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh”.
Ông Syring cho biết thêm, trong đề xuất ngân sách hiện tại, chỉ 23 triệu USD được dành cho phát triển vũ khí laser có thể đối phó với tên lửa siêu thanh. Tuy nhiên, đến năm 2021 vũ khí laser công suất thấp mới được thử nghiệm.
Các loại phương tiện bay siêu thanh được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đạn đạo tầm xa, sau đó đầu đạn sẽ tách khỏi tên lửa và lướt trên bầu khí quyển với tốc độ khoảng 12.000 km/h hoặc nhanh hơn rồi cơ động hướng đến mục tiêu trên mặt đất.
Vũ khí siêu thanh là các phương tiện bay có tốc độ trên Mach 5 (khoảng 6.123 km/h). Chỉ số Mach là cơ sở để phân loại vũ khí siêu thanh hoặc siêu âm.
Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), chỉ số Mach để phân loại tốc độ như sau: Dưới vận tốc âm thanh: Mach < 0,8, cận âm: Mach > 0,8-1, siêu âm: Mach > 1,2-5, siêu thanh: Mach > 5-10, cao siêu thanh: Mach > 10. Tốc độ âm thanh ở điều kiện tiêu chuẩn khoảng 340,3 m/s, tương đương với Mach 1.