Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ được gì khi bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc?

Việc cho phép khinh khí cầu đi vào vùng biển Đại Tây Dương trước khi bắn hạ giúp Lầu Năm Góc thu được các thiết bị mà khinh khí cầu mang theo một cách toàn vẹn nhất.

Các chuyên gia nhận định việc để khinh khí cầu Trung Quốc trôi dạt nhiều ngày trước khi bị bắn hạ là một bê bối gây mất mặt với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Tuy vậy, Nhà Trắng có thể lập luận rằng họ cần chờ thời điểm thích hợp để phá hủy khí cầu và thu giữ những bí mật mà khí cầu này mang theo. Từ chỗ là một sự kiện gây bất lợi, chính quyền Tổng thống Biden có cơ hội ghi điểm từ vụ khinh khí cầu.

Những câu hỏi đi kèm khinh khí cầu

Ngay khi khí cầu đang trôi nổi trên không trung cách mặt đất hàng chục km, tại Washington, cuộc đấu khẩu đã nổ ra. Phe Cộng hòa cho rằng chính quyền Tổng thống Biden quá yếu đuối và chần chừ khi cho phép khí cầu đi quá sâu vào không phận Mỹ, theo New York Times.

Giới chức Lầu Năm Góc phản pháo với tuyên bố chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cũng không có phản ứng gì khi những vụ việc tương tự xảy ra trước đây. Dù vậy, thực tế là dưới thời ông Trump, các khí cầu Trung Quốc không xâm nhập quá sâu lãnh thổ Mỹ như vừa rồi, và các lần xâm nhập cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

khinh khi cau my anh 1

Khí cầu của Trung Quốc trước khi bị bắn hạ. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc từ lâu đã triển khai các khinh khí cầu nhằm thu thập thông tin tình báo. Nói với Washington Post hôm 4/2, một quan chức ẩn danh của Lầu Năm Góc nói Trung Quốc hiện có 5 khí cầu di chuyển quanh Trái Đất. Trong 10 năm qua, Bắc Kinh đã tiến hành khoảng 20-30 nhiệm vụ bằng khí cầu trên khắp thế giới.

Dù vậy, những khí cầu này dường như không hiệu quả hơn so với các vệ tinh do thám hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là vì sao khí cầu Trung Quốc lại đi vào Mỹ thời điểm này.

Khinh khí cầu có thể lơ lửng lâu hơn tại địa điểm thu thập thông tin mục tiêu, chẳng hạn ở bãi phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ở tiểu bang Montana như vừa xảy ra. Tuy vậy, Lầu Năm Góc cho biết khả năng thu thập tín hiệu của khí cầu không quá khác biệt so với các hệ thống thu thập thông tin tình báo mà Bắc Kinh hiện sở hữu.

Thiết bị từ khinh khí cầu có thể chụp được hình ảnh với độ phân giải cao hơn. Cũng có khả năng vụ xâm nhập của khí cầu nhằm kích hoạt các hệ thống radar và chiến tranh điện tử của Mỹ. Tuy vậy, giới chức Mỹ cho rằng những thông tin kiểu này không có nhiều giá trị.

Một số đồn đoán cho rằng khí cầu được sử dụng để phát tán các thiết bị do thám nhỏ hơn nhằm tiếp cận các mục tiêu bí mật. Dù vậy, giới chức Mỹ tuyên bố không có bằng chứng cho kịch bản này.

Những bí mật đi kèm khí cầu của Trung Quốc sẽ được hé lộ thêm khi Lầu Năm Góc tiếp cận toàn bộ mảnh vỡ của thiết bị này. Theo Lầu Năm Góc, mảnh vỡ khí cầu gần như còn nguyên vẹn và đã rơi xuống Đại Tây Dương. Đây là cơ hội tốt để Mỹ kiểm tra, thậm chí truy ngược lại cấu trúc hệ thống thiết bị tình báo và liên lạc của Trung Quốc.

Tính toán của Mỹ khi bắn hạ khí cầu

Từ góc nhìn của giới tình báo, Lầu Năm Góc tin rằng sự cố khinh khí cầu mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ hơn so với Trung Quốc. Với việc cho phép khí cầu bay ra đại dương, chính quyền Biden có thể tối đa hóa cơ hội thu được thiết bị toàn vẹn nhất, đồng thời giảm thiểu thiệt hại mà mảnh vỡ của khí cầu gây ra.

Giới chức Mỹ cho hay phần đế của khí cầu lớn bằng 3 chiếc xe bus, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng nếu rơi xuống khu vực dân cư.

Hôm 4/2, Mỹ triển khai tiêm kích F-22 Raptor đánh chặn khí cầu, sử dụng tên lửa AIM-9, theo CNN. Lầu Năm Góc nói ưu tiên của nhiệm vụ là tránh bắn thẳng vào khí cầu, có thể làm nó vỡ nát thành nhiều mảnh và di chuyển thêm hàng trăm km, giảm khả năng thu thập toàn bộ mảnh vỡ.

khinh khi cau my anh 2

Không quân Mỹ sử dụng tiêm kích F-22 bắn hạ khí cầu. Ảnh: Reuters.

Quân đội Mỹ cũng từng cân nhắc xì hơi một phần khí cầu và thu giữ thiết bị tình báo bên trong khi khí cầu bay xuống độ cao thấp hơn. Nhưng giới chức Mỹ sau đó nhận định khí cầu này không mang theo bất cứ công nghệ nào đủ quan trọng để Washington phải triển khai một chiến dịch vây bắt phức tạp như vậy.

Giới chức Mỹ hiện chưa rõ lý do nào khiến Trung Quốc tiến hành chiến dịch sử dụng khí cầu ngay trước thời điểm Ngoại trưởng Blinken thăm Bắc Kinh. Bởi vụ khí cầu bay vào không phận Mỹ, chuyến đi của ông Blinken đã bị hủy.

Một kịch bản khả dĩ khác là Trung Quốc muốn tìm cách khẳng định sức mạnh trước Washington.

Nhưng kịch bản cuối cùng đó là việc vận hành khí cầu thực sự đã xảy ra sai sót. Điều này hoàn toàn có thể xuất hiện trong mọi hoạt động quân sự và tình báo, Lầu Năm Góc thừa nhận.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.

Khinh khí cầu Trung Quốc 3 lần xâm nhập Mỹ thời ông Trump

Giới chức quốc phòng cho hay khinh khí cầu Trung Quốc từng xâm nhập vùng trời của Mỹ ít nhất 3 lần dưới thời ông Trump, và thêm một lần vào đầu nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden.

Vì sao ông Biden ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ở Mỹ

Một số ý kiến cho rằng vụ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc không phải “đòn chí mạng” với quan hệ Mỹ - Trung và hai nước có thể lựa chọn sang trang mới.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm