Mỹ đưa ra thông báo chính thức về việc rút khỏi WHO vào tháng 7, sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc cơ quan này thân Trung Quốc và không ngăn chặn được đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, việc rút khỏi WHO chỉ có hiệu lực từ tháng 7 năm sau. Cho đến lúc đó - theo thỏa thuận 72 năm trước với quốc hội - Mỹ có nghĩa vụ duy trì các khoản đóng góp tài chính.
Vào thời điểm thông báo rút khỏi WHO, Mỹ đã thanh toán 58 triệu USD “hội phí đóng góp” trong đợt đầu tiên, còn lại khoản tiền 62 triệu USD của đợt thứ hai, theo Guardian.
Quyết định rút khỏi WHO của Mỹ chỉ có hiệu lực từ tháng 7/2021. Do đó, quốc hội Mỹ sẽ buộc ông Trump thanh toán những khoản phí còn nợ. Ảnh: Reuters. |
Phó trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách các Vấn đề Tổ chức Quốc tế Nerissa Cook hôm 2/9 cho biết các khoản tiền cũng như khoản nợ 18 triệu USD từ năm trước “sẽ được chuyển sang Liên Hợp Quốc cho các khoản phí khác”.
Chính quyền Mỹ cũng tự nguyện đóng góp một cách hạn chế cho WHO trong các lĩnh vực không có giải pháp thay thế. Điều đó bao gồm "giải ngân một lần" 68 triệu USD cho công tác y tế nhân đạo của WHO ở Libya, Syria và các nỗ lực của tổ chức này nhằm xóa bỏ bệnh bại liệt, chủ yếu ở Afghanistan và Pakistan.
Các nghị sĩ Dân chủ trong quốc hội đã thách thức quyền cắt giảm hoặc chuyển quỹ cho WHO sang nơi khác của tổng thống. Họ nói đây là hành động vi phạm nghị quyết chung của quốc hội vào thời điểm Mỹ gia nhập WHO năm 1948.
“Nếu Mỹ quyết định rút khỏi tổ chức, một năm sau quyết định đó mới có hiệu lực. Trong thời gian đó, chúng ta phải trả những gì còn nợ. Điều đó nghĩa là chúng ta vẫn nợ phần tiền của năm 2019, 2020 và ít nhất là một phần của năm 2021”, Tim Rieser, trợ lý chính sách đối ngoại của Patrick Leahy, Thượng nghị sĩ Dân chủ từ Vermont, nói.
“Theo hiểu biết của tôi về chính quyền này, họ sẽ giải thích luật theo cách giúp họ không phải làm những gì được quy định. Sau đó, chúng tôi sẽ phải tranh luận với họ”, ông Rieser nói.
“Thượng nghị sĩ Leahy, giống như mọi chuyên gia y tế công cộng trên thế giới, tin rằng đây là một quyết định thiển cận và sai thời điểm. Tổng thống cố gắng đổ lỗi cho người khác vì chính quyền của ông ấy đã xử lý đại dịch tệ hại”, ông Rieser nói thêm.
“WHO đã mắc sai lầm, và những sai lầm đó cần được giải quyết. Nhưng thật liều lĩnh khi rút khỏi một tổ chức mà chúng ta cần để chống lại không chỉ đại dịch này mà còn vô số mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác trên toàn thế giới”.
“Tôi nghĩ những gì ông Trump đang làm là bất hợp pháp một cách trắng trợn và cũng gây tổn hại sâu sắc đến sức khỏe và lợi ích an ninh của Mỹ”, Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho biết.