Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện, gọi gói cứu trợ là “khoản đầu tư vào đất nước của chúng ta như trong thời chiến”.
Ông cho biết Thượng viện sẽ chính thức thông qua dự luật “sau đó” vào ngày 25/3.
Gói cứu trợ kinh tế chưa từng có tiền lệ
Đạo luật về gói cứu trợ này sẽ có hiệu lực trong vài ngày và là gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.
Chi tiết chính xác của thỏa thuận chưa được công bố. Nhưng về cơ bản, gói cứu trợ này bao gồm 250 tỷ USD để chuyển trực tiếp cho cá nhân và gia đình Mỹ, 350 tỷ USD dưới dạng tiền vay cho doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD bảo hiểm thất nghiệp, và 500 tỷ USD cho các công ty chịu thiệt hại từ dịch bệnh, cũng theo ông Schumer.
“Đây không phải là thời khắc để ăn mừng, mà là điều cần phải làm”, ông nói.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (trái) và Giám đốc các vấn đề lập pháp Eric Ueland trên đường tới văn phòng Thượng nghị sĩ Mitch McConnell hôm 24/3. Ảnh: AP. |
Gói kích thích kinh tế này sẽ chuyển tiền trực tiếp cho cá nhân, doanh nghiệp Mỹ, tăng trợ cấp thất nghiệp giữa bối cảnh phong tỏa lan rộng làm cuộc sống ở Mỹ đình trệ.
Gói cứu trợ đem lại hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các gia đình, các doanh nghiệp ở Mỹ đang khó khăn vì lệnh đóng cửa và các bệnh viện đang gồng mình trước số ca bệnh tăng chóng mặt.
Theo dự luật, các cá nhân có thu nhập dưới 75.000 USD sẽ nhận được khoản tiền 1.200 USD, còn cặp vợ chồng có tổng thu nhập dưới 150.000 USD sẽ nhận 2.400 USD - và được nhận thêm 500 USD nếu có thêm một người con.
Nếu có thu nhập cao hơn, các khoản tiền trợ cấp sẽ giảm theo thu nhập, và người độc thân thu nhập quá 99.000 USD, cặp vợ chồng thu nhập quá 198.000 USD sẽ không được nhận trợ cấp.
Rắc rối quanh khoản ngân quỹ 500 tỷ USD giải cứu doanh nghiệp
Chướng ngại trước đó nằm ở việc đảng Dân chủ yêu cầu các điều khoản giám sát mạnh hơn và bảo vệ lao động tốt hơn đối với khoản ngân quỹ 500 tỷ USD giải cứu doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc các vấn đề lập pháp của Nhà Trắng Eric Ueland đã “chạy đi chạy lại” tới quá nửa đêm ở Điện Capitol, giữa văn phòng của các lãnh đạo đảng Cộng hòa (do Thượng nghị sĩ Mitch McConnell dẫn đầu) và đảng Dân chủ (Thượng nghị sĩ Chuck Schumer dẫn đầu), nhằm hoàn tất các chi tiết của gói cứu trợ, theo miêu tả của New York Times.
Trước đó, vào ngày 24/3, thị trường chứng khoán Mỹ có ngày tăng điểm mạnh (9%) trước hy vọng Quốc hội đi đến thỏa thuận về gói cứu trợ.
Cổ phiếu các công ty sẽ được hỗ trợ, như hàng không, du thuyền, sòng bạc, tăng lên, theo New York Times. Nhưng thị trường vẫn biến động mạnh, nhất là khi chính phủ Mỹ sẽ báo cáo số liệu thất nghiệp hàng tuần vào ngày 26/3, và các nhà phân tích dự đoán sẽ có thêm hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp vào tuần vừa qua.
“Như mọi thỏa hiệp, dự luật này cũng không hoàn hảo, nhưng chúng tôi tin rằng dư luật đã được cải thiện đáng kể để việc xem xét và thông qua được nhanh chóng”, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện, cho biết, theo Financial Times.
Trong một thư gửi những người đồng nghiệp trong đảng Dân chủ, ông cho biết thỏa thuận bao gồm thêm bốn tháng bảo hiểm thất nghiệp cho những ai mất việc, và cấm các hãng hàng không được giải cứu mua lại cổ phiếu hay cấp tiền thưởng cho các giám đốc điều hành trong khi nhận tiền giải cứu của người đóng thuế Mỹ.
Dự luật cũng cấm cấp tiền giải cứu cho các công ty kiểm soát bởi Tổng thống Trump, Phó tổng thống Mike Pence, các nghị sĩ trong Quốc hội, hay các quan chức cao cấp, cũng theo thư của ông Schumer.
Cổ phiếu trên khắp châu Á tăng điểm sau tin về thỏa thuận, với chỉ số Topix của Nhật tăng 6,9% khi hết phiên giao dịch, còn chỉ số Kospi kết thúc ngày giao dịch tăng 5,5%. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 2,7% còn Hang Seng của Hong Kong tăng 3,1% vào cuối buổi chiều, theo Financial Times.
Đối với việc giám sát khoản 500 tỷ USD, phía Cộng hòa đã chấp thuận yêu cầu của phía Dân chủ, lập ra một ban giám sát của Quốc hội gồm 5 ủy viên, cùng với một chức vị thanh tra, nhằm phân bổ tiền vay cho các doanh nghiệp hay các địa phương.
Trong đó, 50 tỷ USD được dành cho các hãng hàng không, Financial Times dẫn tuyên bố của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện.
Gói cứu trợ cần được thông qua ở cả Thượng viện (đảng Cộng hòa kiểm soát) và Hạ viện (đảng Dân chủ kiểm soát). Vẫn chưa rõ việc thông qua ở Hạ viện có tiến hành sớm được hay không khi nhiều Hạ nghị sĩ không ở Washington thời điểm này.