Theo CNN, các tuyến đường ở Bắc Đại Tây Dương sẽ trở nên bận rộn hơn trong năm nay, khi Mỹ chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng tới châu Âu, nhằm giúp khu vực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga,
CNBC đưa tin cuối tuần trước, Washington cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ m³ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay. Động thái này nhằm giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuyên bố của Washington được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về việc các nước nhập khẩu năng lượng tiếp tục tăng cường mua dầu và khí đốt của Moscow.
Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ m³ khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu trong năm nay. Ảnh: Reuters. |
Đối phó với cú sốc dầu khí
Trong năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã vạch ra kế hoạch cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn cung thay thế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ thông qua cải thiện hiệu quả năng lượng và kéo dài tuổi thọ của những nhà máy điện hạt nhân và than.
Theo giới chuyên gia, các cảng xuất khẩu LNG của Mỹ đang hoạt động hết công suất. Điều này giúp mục tiêu của Tổng thống Biden có thể trở thành hiện thực.
"Có thể bổ sung 15 tỷ m³ LNG so với mức năm 2021, nhất là khi dòng chảy mạnh mẽ được duy trì trong suốt năm nay", đội ngũ chiến lược gia hàng hóa tại ngân hàng ING của Hà Lan nhận định.
Trên thực tế, việc bổ sung 15 tỷ m³ LNG từ Mỹ sẽ không thể thay thế lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu của Nga, vốn lên tới 155 tỷ m³ vào năm 2021. Nhưng đó chỉ là khởi đầu.
Việc loại bỏ nguồn cung khí đốt của Nga là khá tốn kém với châu Âu
Tổng thống Mỹ Joe Biden
"15 tỷ m³ LNG không phải một con số nhỏ. Nó bằng khoảng 1/6 nhu cầu khí đốt hàng năm của Đức", ông Alex Froley - nhà phân tích LNG tại Independent Commodity Intelligence Services - nhận định.
LNG không được vận chuyển qua đường ống. Thay vào đó, khí được làm lạnh thành chất lỏng rồi đưa lên tàu. Cần thêm 150 chuyến tàu vượt Đại Tây Dương để đưa 15 tỷ m³ LNG từ Mỹ tới châu Âu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả thỏa thuận mới là một sáng kiến mới mang tính “đột phá”, được thiết kế nhằm “tăng cường an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia”.
Phát biểu với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels, ông Biden khẳng định việc loại bỏ nguồn cung khí đốt của Nga khá "tốn kém với châu Âu". "Nhưng đó không chỉ là điều đúng đắn về mặt đạo đức, mà còn đưa chúng ta vào một nền tảng chiến lược mạnh mẽ hơn nhiều", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Mỹ và EU đã công bố thành lập lực lượng đặc nhiệm chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng cho Ukraine và EU cho mùa đông tới và mùa đông năm sau. Các mục tiêu chính của lực lượng đặc nhiệm là đa dạng hóa nguồn cung cấp LNG, phù hợp với những mục tiêu khí hậu và giảm nhu cầu về khí đốt tự nhiên.
Đẩy mạnh năng suất
Theo Nhà Trắng, EU khẳng định sẽ nỗ lực hướng tới mục tiêu đảm bảo, ít nhất là cho đến năm 2030, nhu cầu về lượng LNG bổ sung của Mỹ khoảng 50 tỷ m³/năm. "Điều này cũng phù hợp với mục tiêu không phát thải của chúng tôi", Washington khẳng định.
Mỹ bắt đầu bán lô LNG đầu tiên của mình vào năm 2016. Nhưng chỉ trong vỏn vẹn 6 năm, nước này đã vươn lên thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, khi cuộc cách mạng đá phiến thúc đẩy sản xuất trong nước và đưa Washington lên vị thế hàng đầu trong thị trường năng lượng toàn cầu.
Vào tháng 12/2021, lần đầu tiên Mỹ xuất khẩu nhiều LNG hơn các nhà sản xuất đối thủ là Qatar và Australia. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này sẽ thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất trên thế giới trong năm 2022.
Chỉ trong vỏn vẹn 6 năm, Mỹ đã vươn lên thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới và vẫn tiếp tục tăng năng suất. Ảnh: Reuters. |
Washington sẽ tăng công suất trong những năm tới. “Mỹ có nguồn cung cấp khí đốt dồi dào, môi trường chính trị và pháp lý thuận lợi", chuyên gia Ed Crooks của Woods Mackenzie nhận định.
"Cùng với đó là một ngành xây dựng có kinh nghiệm và năng lượng, giúp Mỹ trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn nhất để tăng cường năng lực xuất khẩu", vị chuyên gia nói thêm.
Giá khí đốt tăng cao khiến châu Âu phải tăng nhập khẩu từ Mỹ, ngay cả trước tuyên bố của chính quyền ông Biden. Theo Froley, EU đã nhập khẩu hơn 12 tỷ m³ LNG trong quý I/2022, tăng mạnh so với 4 tỷ m³ LNG vào cùng kỳ năm 2021.
"Điều đó có nghĩa là Mỹ đã đi trước rất nhiều so với mục tiêu của Tổng thống Biden", CNN nhận định.