CNBC đưa tin cuối tuần trước, Washington cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ m³ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay. Động thái này nhằm giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuyên bố của Washington được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về việc các nước nhập khẩu năng lượng tiếp tục tăng cường mua dầu và khí đốt của Moscow.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các hãng lọc dầu của Trung Quốc đang âm thầm mua dầu Nga với giá rẻ, sau khi ngành năng lượng Nga bị ảnh hưởng nặng nề bởi những lệnh trừng phạt trên toàn cầu.
Mới đây, Reuters đưa tin các quan chức Ấn Độ cũng đang thảo luận với Nga về việc nhập khẩu dầu giá rẻ hơn.
Xung đột Nga - Ukraine đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên trên toàn cầu tăng mạnh. Ảnh: Reuters. |
Tìm cách giảm phụ thuộc
Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả thỏa thuận mới là một sáng kiến mới mang tính “đột phá”, được thiết kế nhằm “tăng cường an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia”.
Phát biểu với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels, ông Biden khẳng định việc loại bỏ nguồn cung khí đốt của Nga khá "tốn kém với châu Âu". "Nhưng đó không chỉ là điều đúng đắn về mặt đạo đức, mà còn đưa chúng ta vào một nền tảng chiến lược mạnh mẽ hơn nhiều", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố thành lập lực lượng đặc nhiệm chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng cho Ukraine và EU cho mùa đông tới và mùa đông năm sau.
Các mục tiêu chính của lực lượng đặc nhiệm là đa dạng hóa nguồn cung cấp LNG, phù hợp với những mục tiêu khí hậu và giảm nhu cầu về khí đốt tự nhiên.
Khoảng 1/4 năng lượng của khu vực đồng EUR được tạo ra từ khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, Nga chiếm khoảng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của khối. Ảnh: Reuters. |
Theo Nhà Trắng, EU khẳng định sẽ nỗ lực hướng tới mục tiêu đảm bảo, ít nhất là cho đến năm 2030, nhu cầu về lượng LNG bổ sung của Mỹ khoảng 50 tỷ m³/năm. "Điều này cũng phù hợp với mục tiêu không phát thải của chúng tôi", Washington khẳng định.
Năng lượng là nguồn thu chính, và là đòn bẩy chính trị cho Moscow. Doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga đóng góp vào khoảng 43% ngân sách liên bang của Điện Kremlin từ năm 2011 đến năm 2020.
Con số này nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhiên liệu hóa thạch đối với chính phủ Nga.
Chi phí không nhỏ
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá than, dầu và khí đốt tăng mạnh. Các quốc gia trên thế giới tranh giành nguồn cung thay thế dầu khí Nga.
Tổng thống Mỹ Biden đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga. Châu Âu - các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào dầu Nga - chưa đưa ra lệnh trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng Nga. Tuy nhiên, theo CNN, những lệnh trừng phạt đối với các nhà băng của Nga, cùng với những lo ngại về khả năng vận chuyển dầu của nước này, đã tạo ra một "lệnh cấm ngầm" đối với ngành năng lượng Nga.
Điều đó làm giảm đáng kể nguồn cung dầu của Nga vào thị trường toàn cầu, từ đó đẩy giá lên cao. Trong khi đó, phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế từ những nơi khác.
Việc loại bỏ nguồn cung khí đốt của Nga khá tốn kém với châu Âu. Nhưng đó không chỉ là điều đúng đắn về mặt đạo đức, mà còn đưa chúng ta vào một nền tảng chiến lược mạnh mẽ hơn nhiều
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Khoảng 1/4 năng lượng của khu vực đồng EUR được tạo ra từ khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, Nga chiếm khoảng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của khối, một trong số các đường ống chạy qua Ukraine.
Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, bất cứ sự gián đoạn nào đối với nguồn nhập khẩu khí đốt có thể gây tác động đáng kể đối với sản lượng kinh tế và lạm phát của khu vực.
“Kịch bản Nga ngừng tất cả hoạt động xuất khẩu theo đường ống có thể khiến tăng trưởng GDP của khu vực đồng EUR giảm 2,2 điểm phần trăm vào năm 2022 so với dự báo cơ sở. Tác động đối với Đức và Italy lần lượt là 3,4 điểm phần trăm và 2,6 điểm phần trăm", ông Sven Jari Stehn - Trưởng nhóm Kinh tế châu Âu của Goldman Sachs - và đội ngũ của mình cảnh báo.
Nếu Nga ngừng mọi hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, lạm phát có thể tăng tới 1,3 điểm phần trăm. Viễn cảnh giá năng lượng tiếp tục tăng cao làm dấy lên lo ngại về thời kỳ "đình lạm", tức tăng trưởng kinh tế đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi giá cả leo thang.
Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga càng nhấn mạnh sự phụ thuộc của nhân loại vào nhiên liệu hóa thạch. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vừa đưa ra lời cảnh báo.
Theo ông, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu hóa thạch nghiêm trọng có thể khiến các quốc gia tiêu thụ nhanh chóng quên đi những chính sách nhằm giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. "Điều này thật điên rồ. 'Nghiện nhiên liệu hóa thạch' là tự hủy diệt lẫn nhau", ông nhấn mạnh.