Theo CNBC, Bộ Nội địa Mỹ ngày 4/1 công bố dự thảo đề xuất về việc mở các lô ngoài khơi tại hầu hết thềm lục địa của nước này để cho các nhà khai thác dầu và khí đốt khoan thăm dò trong 5 năm.
Kế hoạch cho phép khoan dầu tại các vùng biển của Mỹ ở Bắc Cực, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương này đánh dấu sự đảo ngược chính sách của chính quyền Tổng thống Obama.
Các giếng dầu cũ tại Santa Barbara Channel ngoài khơi California. Ảnh: MBR. |
Bộ trưởng Nội địa Ryan Zinke cho hay dự thảo đề xuất cho thuê ngoài khơi từ 2019 đến 2024 sẽ cho phép nhà khai thác thăm dò khoảng 90% thềm lục địa của Mỹ, được xem là thương vụ cho thuê ngoài khơi lớn nhất của Mỹ từ trước đến nay. Khu vực duy nhất không được đưa vào dự thảo là North Aleutian Basin ở Alaska.
Kế hoạch này của chính quyền Tổng thống Trump đã được dự đoán rộng rãi từ trước đó. Hồi tháng 4, ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển ngoài khơi Bắc Cực và Đại Tây Dương.
Theo ông chủ Nhà Trắng, sắc lệnh hành pháp mới mang tên "Triển khai chiến lược năng lượng ngoài khơi ưu tiên nước Mỹ" hướng tới thúc đẩy "phát triển có trách nhiệm ở các vùng biển xa bờ để mang lại lợi nhuận cho ngân khố quốc gia và việc làm cho người lao động Mỹ".
Dự thảo đề xuất mới của chính quyền Tổng thống Trump đi ngược lại lệnh cấm khai thác hồi tháng 12/2016, do cựu Tổng thống Obama ban hành, theo đó cấm việc khai thác khí đốt và dầu mỏ tại các vùng lãnh hải của Mỹ trên vùng biển Bắc Cực và tại Đại Tây Dương.
Các vùng thềm lục địa của Mỹ. Đồ họa: CNBC. |
Theo Đạo luật về các vùng thềm lục địa ban hành năm 1953, các tổng thống Mỹ có quyền cấm hoạt động khai thác thương mại tại các vùng nước ngoài khơi. Trước đó, các cựu tổng thống D.Eisenhower và Bill Clinton cũng từng sử dụng quyền hạn này.
Kế hoạch cho phép khoan dầu tại thềm lục địa Mỹ của chính quyền Trump đối mặt với những chỉ trích từ các nhà hoạt động môi trường, do quan ngại nguy cơ xảy ra các thảm họa tràn dầu như vụ việc năm 2010 tại Vịnh Mexico.